Có dịp đến thăm các gia đình được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà dột nát trong thời gian này mới thấy hết ý nghĩa của tinh thần tương thân, tương ái. Những giọt nước mắt hạnh phúc, những niềm vui không thốt nên lời làm cho cái Tết trở nên ấm áp hơn. Chị Phạm Thị Phượng, phường Bắc Sơn (thị xã Tam Điệp) vừa được hỗ trợ gần 20 triệu đồng để sửa chữa căn nhà cấp 4 dột nát mà bấy lâu chỉ được coi như chỗ "chui ra, chui vào" của 2 mẹ con.
Trong ngày vui khánh thành ngôi nhà mới, chị không muốn kể về những khó khăn đã qua mà chỉ nhắc đi, nhắc lại: Có nhà mới, mẹ con tôi không phải lo đón Tết trong gió rét lạnh giá như mọi năm nữa! Nhà chỉ có 2 mẹ con, bản thân chị lại bị đau ốm nằm liệt giường, thời gian qua phải nhờ cậy rất nhiều vào sự đùm bọc của bà con lối xóm. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất vẫn là việc sửa nhà để ổn định cuộc sống. Chưa dám nghĩ đến chuyện "lạc nghiệp", nhưng chị Phượng có thể hy vọng với căn nhà mới này những khó khăn, vất vả sẽ vơi đi. Niềm hạnh phúc ấy như được lan tỏa sang chúng tôi khi chứng kiến con trai của chị vừa chăm sóc mẹ vừa dọn dẹp nhà cửa để đón Tết, chúng tôi cũng hiểu rằng hạnh phúc đơn giản là sự sẻ chia.
Về vùng biển Kim Sơn vào dịp trước Tết có rất nhiều những mái ấm tình thương đã và đang được khẩn trương hoàn thiện. Ngay từ tháng 11, huyện đã ứng số tiền hàng trăm triệu đồng để kịp thời cho bà con có nhà mới đón xuân. Bà Nguyễn Thị Ngãy ở xóm 1, xã Tân Thành cho biết: Vào thời điểm này năm trước, tôi đang phải lo mua bạt, áo mưa... để che chắn nhà cửa nhưng giờ thì khác rồi, tôi hoàn toàn yên tâm với ngôi nhà mới vừa được chính quyền và bà con giúp đỡ xây dựng. Bà Ngãy năm nay đã gần 80 tuổi, có một con là liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Tây Ninh, những người con còn lại tuy đều đã trưởng thành nhưng điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, bà Ngãy sống 1 mình trong căn nhà lụp xụp mà hàng xóm vẫn hay nói vui rằng "để là nhà mà dỡ ra là củi".
Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện và sự giúp đỡ của bà con làng xóm..., đến nay ngôi nhà mới với diện tích 33 m2, trị giá 30 triệu đồng của bà Ngãy đã được hoàn thiện. Bà rơm rớm nước mắt cho biết: Điều tôi vui và hạnh phúc nhất là từ nay đã có một nơi khang trang để thờ phụng chồng và người con đã hy.
Đề án 02 được triển khai không chỉ cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với người nghèo, gia đình chính sách mà còn huy động được sự vào cuộc, chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng. Phổ biến nhất là hình thức đóng góp xây dựng Quỹ "Vì người nghèo", giúp ngày công lao động và đóng góp vật chất như: Gạch, đá, tre, cát... từ cộng đồng dân cư, anh em, dòng họ, các tổ chức, đoàn thể để xây dựng, xóa nhà ở dột nát cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Qua phong trào này, chúng ta có thể bắt gặp nhiều tấm lòng nhân ái từ mỗi cá nhân ở khắp các địa phương. Từ ông già, bà lão dành dụm đồng lương hưu của mình góp cùng người nghèo, hay những em nhỏ không ăn quà sáng để lấy tiền ủng hộ cho các bạn nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ hộ nghèo xây, sửa nhà. Một trong những "mạnh thường quân" được biết đến nhiều là chị Lê Thị Bích, chủ Doanh nghiệp tư nhân Việt Thắng (thị xã Tam Điệp) đã giúp xây, sửa chữa 6 nhà dột nát trên địa bàn và tạo điều kiện, định hướng cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế sau khi đã có nhà ở ổn định.
Còn rất nhiều những giọt nước mắt hạnh phúc, những niềm vui khôn tả của các gia đình nghèo trước sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng. Và một điều đáng mừng nữa là thông qua các chính sách, các cuộc vận động, toàn xã hội ngày càng nhận thức sâu sắc hơn việc cần thiết phải chăm lo cho người nghèo, tất cả vì người nghèo và tạo được khối đại đoàn kết của cộng đồng.
Duy Hiền