Anh Trần Xuân Trường, xã Ân Hòa (Kim Sơn) vốn là người khỏe mạnh nhưng một tai nạn bất ngờ khiến anh phải làm bạn với chiếc xe lăn vĩnh viễn. Chuyện rủi ro này xảy ra đã lâu và sẽ không có gì đáng nói nếu như không xem cách gia đình anh Trường ứng xử với bất hạnh này. Anh Trường đã chọn niềm vui bằng việc làm thơ. Anh cũng tham gia vào mạng xã hội, có nhiều bạn bè. Từ đây anh đã tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập phụ giúp cho gia đình.
Vợ anh Trường- cô giáo Trần Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Ân Hòa không những trở thành chỗ dựa, động viên, an ủi tinh thần cho chồng mà còn khuyến khích anh phát triển đam mê sáng tạo của mình. Nhiều người bạn văn đã rất cảm động trước thái độ vui vẻ, nhiệt thành của chị khi đến thăm anh.
Khi tiếp xúc với anh nhiều người tưởng như sự bất hạnh chưa từng xảy đến, thái độ lạc quan từ anh, sự quan tâm chân thành của chị khiến mọi người cảm kích. Niềm vui của chị là làm sao mỗi ngày người chồng tìm thêm được những niềm vui, còn chị tìm ý nghĩa hạnh phúc bằng sự hy sinh thầm lặng, bằng sức mạnh nghị lực của mình để khỏa lấp nỗi khiếm khuyết trong cuộc sống gia đình.
Ngày anh Trường ra mắt tập thơ mới in, cả gia đình nội ngoại cùng anh lên tận Hội VHNT tỉnh động viên anh. Những giây phút như vậy niềm vui không chỉ đến từ người làm thơ, với rất nhiều bạn hữu mà hạnh phúc lan sang cả gia đình anh, niềm vui của gia đình nhỏ ấy khi thấy anh có được giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật.
Với cựu chiến binh Đinh Trọng Hương, thôn áng Ngũ, xã Ninh Hòa (Hoa Lư) lại có quan niệm riêng về hạnh phúc. Là một quân nhân, nghỉ hưu năm 1999 với cấp hàm Đại tá, trở về địa phương, ông Hương không một ngày ngơi nghỉ mà tham gia tích cực vào công tác xã hội, với quan niệm nếu cống hiến được gì cho quê hương thì ông quyết không từ nan. Từ năm 2000, ông tham gia công tác Đảng, với 7 năm làm bí thư chi bộ, sau đó chuyển sang công tác Cựu chiến binh, 6 năm tham gia Hội người cao tuổi, hiện làm công tác khuyến học...
Ông Hương cũng xác định rõ bản thân là quân nhân tham gia công tác xã hội nên trước hết mình và gia đình phải gương mẫu mới vận động được hội viên, quần chúng. Cho nên nhiều năm liền gia đình ông vẫn giữ nền nếp một gia đình quân nhân. Gia đình ông có 3 người con đều đã đến tuổi trưởng thành. Người con gái cả đã lập gia đình, cậu con trai thứ hai theo nghiệp quân nhân, cô út mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp.
Với người lính già Đinh Trọng Hương, niềm hạnh phúc nhất với ông là thấy được sự trưởng thành của các con, bởi nó là kết quả nỗ lực rất lớn của vợ ông, cho dù bao nhiêu năm đời lính ông xa nhà, trách nhiệm nuôi dạy con cái mình bà phải gánh vác. Ngoài hạnh phúc gia đình, nguồn hạnh phúc khác nữa của ông Hương là được đóng góp một phần tâm sức cho địa phương mình sinh sống.
Cũng bởi vậy mà từ nhiều năm liền dù đảm nhận công tác gì ông Hương luôn thể hiện mình là một cán bộ, hội viên gương mẫu, tích cực. Ông nói: "Tôi làm công tác xã hội phần vì muốn đóng góp sức lực cho địa phương nhưng cũng phần vì qua công việc có thêm nhiều bạn bè, có được những người bạn là có thêm nguồn vui, niềm hạnh phúc".
Với gia đình ông Nguyễn Văn Hỷ, bà Nguyễn Thị Thống, tổ 4, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp) quan niệm về hạnh phúc lại mang một ý nghĩa khác. Ông là một quân nhân sau khi giải ngũ về công tác tại địa phương rồi làm cán bộ tổ chức tại Nông trường Đồng Giao, bà cũng là một công nhân của Nông trường.
Những năm tháng ấy, dù cuộc mưu sinh của những gia đình người lính sau chiến tranh còn nhiều vất vả, ông bà Hỷ - Thống vẫn dốc lòng nuôi dạy, giáo dục các con trưởng thành. Không phụ lòng bố mẹ, cả 5 người con ông bà chăm chỉ làm ăn và gây dựng được sự nghiệp kinh doanh vững chắc tại nước Đức. Dù là những doanh nhân thành đạt, nhưng với nền nếp gia đình các con ông bà vẫn không quên sự biết ơn với mảnh đất đã nuôi lớn mình trong những năm tháng tuổi thơ.
Gia đình ông bà không chỉ rót vốn về quê hương tham gia hoạt động kinh tế mà còn dành một phần đáng kể lợi nhuận ủng hộ các chương trình từ thiện, xã hội của quê nhà, nhất là tại địa bàn thành phố Tam Điệp. Tấm lòng của gia đình ông bà Hỷ - Thống được chính quyền đại phương, cộng đồng dân cư trân trọng.
Ông bà nhiều năm được công nhận là gia đình văn hóa, năm 2017 được thành phố khen thưởng là "Gia đình văn hóa tiêu biểu". Hạnh phúc trong quan niệm của ông bà là được cho đi, được san sẻ niềm vui với cộng đồng, xã hội, được sống một cuộc sống với ý nghĩa tốt đẹp chân chính của nó.
Mai Phương