Gần 40 tuổi, anh Phạm Ngọc Thơ đã là một doanh nhân thành đạt. Công việc điều hành của một Giám đốc nhà hàng Tre Việt new, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại thành phố Ninh Bình "ngốn" của anh Thơ khá nhiều thời gian. Khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi, anh Thơ dành để đi làm… từ thiện. Hạnh phúc của anh Thơ là được nhìn thấy sự trưởng thành, khá giả của những người mà mình từng đùm bọc, giúp đỡ.
Bùi Đức Quý, cậu học trò lớp 8 ở xã Khánh An (huyện Yên Khánh) là một trong những nhân vật được anh Thơ nhớ nhất. Một cậu bé học giỏi tưởng đã phải gác lại giấc mơ đến trường chỉ vì gia đình quá nghèo. Quý không có bố, em ở với mẹ và bà ngoại. Trong giấc mơ của con trẻ, Quý đã ước sẽ học thật giỏi để sau này có công việc tốt để lo liệu một cuộc sống đầy đủ hơn cho bà và mẹ.
Giấc mơ đẹp đẽ của Quý đã được "chắp cánh" bởi sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực từ cộng đồng, trong đó có anh Phạm Ngọc Thơ. Mỗi tháng, anh Thơ hỗ trợ cho Quý 300 nghìn đồng. Số tiền không lớn nhưng thật ý nghĩa và "vừa vặn" với những nhu cầu thiết yếu của cậu học trò nghèo. "Khoản tiền ấy cháu dành để mua dụng cụ học tập, mua thêm sách tham khảo… Những món đồ được mua từ số tiền giúp đỡ của chú Thơ thực sự là những kỷ niệm nhiều ý nghĩa, tiếp thêm cho cháu thêm nghị lực để vươn lên. Nhất định cháu sẽ học giỏi để sau này có một cuộc sống tốt hơn. Khi cuộc sống tốt hơn cháu mới có cơ hội để giúp đỡ những bạn học sinh nghèo giống mình"- Bùi Đức Quý chia sẻ.
Danh sách những người được giúp đỡ, những phần việc thiện nguyện vì cộng đồng mà anh Ngọc Thơ làm được cứ dày lên theo năm tháng. Anh Thơ chia sẻ: Mỗi năm bản thân tôi đều dành dụm từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để dành cho công tác thiện nguyện. Đối tượng mà tôi muốn giúp đỡ bao giờ cũng ưu tiên cho những đứa trẻ nghèo ham học. Với mức hỗ trợ từ 300- 500 nghìn đồng/ tháng hay những suất học bổng, những bộ quần áo, dụng cụ học tập… những món quà ấy không chỉ góp phần giảm bớt khó khăn cho các cháu trong hành trình đến trường, mà hơn tất cả đó còn thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn đối với những trẻ em nghèo trong tương lai.
Ngoài ra, anh Thơ cũng tích cực ủng hộ cho người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam bằng các hoạt động thiết thực như: Trao xe lăn cho người khuyết tật; ủng hộ xây nhà tình thương cho người nghèo; trao quà cho các bệnh nhân hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn; trao quà cho các cụ cao tuổi lão thành cách mạng; trao quà cho thương binh liệt sỹ nhân ngày 27/ 7; trao gạo quần áo chăn bông nước lọc đồ dùng học tập, cho các cháu nhỏ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Trong đợt lũ lụt tại miền Trung năm 2020, anh Thơ đã ủng hộ cho những người bị thiệt hại nặng nề bằng hàng và tiền mặt với tổng kinh phí 50 triệu đồng. Trong năm 2020, nhằm chung tay với cộng đồng trong phòng chống dịch COVID-19, anh Thơ cũng đã phát miễn phí 40.000 khẩu trang y tế, 800 bánh xà phòng sát khuẩn, 600 lọ nước rửa tay sát khuẩn, tổng trị giá lên đến 100 triệu đồng…
Bà Đinh Thị Hồng, 72 tuổi ở xã Định Hóa là một trong hàng trăm người ở huyện Kim Sơn đăng ký hiến tặng giác mạc và đã đồng ý hiến tặng giác mạc của người thân sau khi qua đời. Bà Hồng bảo rằng, khi ông còn sống, ông bà đã cùng thực hiện đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. ở cái tuổi xưa nay hiếm, điều mong mỏi còn lại của cả hai ông bà là được làm những điều thực sự có ý nghĩa để tặng lại cho cuộc đời trước khi hóa thân thành cát bụi.
"Ông ấy đã "đi" rồi và ước nguyện của ông đã được thực hiện. Tôi biết ông ấy đã rất hạnh phúc khi món quà mà ông để lại đã mang lại nguồn ánh sáng quý giá cho một người nào đó. Thắp lên ánh sáng cũng chính là thắp lên niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống đối với những người may mắn nhận được "món quà" ý nghĩa này"- bà Hồng xúc động.
Theo sự giới thiệu của cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh và theo lời kể của bà Hồng, chúng tôi tìm về xã Khánh Thủy huyện Yên Khánh để gặp gỡ chị Tô Thị Thắm, một con người có thực, một niềm hạnh phúc có thực… đã may mắn được nhận nguồn giác mạc hiến tặng.
Sinh ra không được khỏe mạnh, đôi mắt không được tinh anh, một thời gian dài, chị Thắm sống trong màu đen tối. Chị Thắm cảm nhận cuộc sống chỉ bằng đôi bàn tay. Vậy nhưng đúc kết lại, chị Thắm thấy mình thật may mắn, thật hạnh phúc.
May mắn đầu tiên là chị gặp được tri kỷ của cuộc đời. Chồng chị mắt sáng, khỏe mạnh nhưng lại quyết định nên duyên với một cô gái khiếm thị. Hai đứa con được sinh ra khỏe mạnh, được nuôi dưỡng ngoan ngoãn cũng bằng đôi bàn tay của người mẹ khiếm thị. Chỉ chừng ấy thôi đã đủ để chị Thắm thấy cuộc sống thật ngọt ngào. Nhưng rồi như một phép màu khi một ngày chị Thắm được ngắm nhìn các con bằng một đôi mắt sáng. Niềm hạnh phúc lớn lao ấy của chị Thắm được trao tặng từ giác mạc của một người đã khuất. Từ lúc nhìn thấy ánh sáng cũng là lúc thắp lên cho chị Thắm một niềm tin vào những điều tử tế, những thứ tốt đẹp của cuộc sống.
"Tôi đã nhìn thấy những người thân yêu của mình bằng cặp giác mạc được hiến tặng từ một người thiện lương mà tôi chưa từng biết mặt. Cuộc sống của tôi thực sự đã bước san một trang mới, tươi tắn, lạc quan và vô cùng đẹp đẽ. Tôi sẽ cố gắng sống một cuộc đời có ý nghĩa nhất, hạnh phúc nhất và rạng ngời nhất để báo đáp tấm lòng cao đẹp của người đã khuất"- chị Thắm xúc động.
Đào Hằng