Trong ngôi nhà nằm khuất nẻo ở phố 5, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình), tránh xa những ồn ào của nhịp sống đô thị, bà Lê Thị Nghị vẫn đang hàng ngày nắm tay ông Lê Văn Luyện, dìu những bước đi cho người thương binh nặng ấy được sống vui, sống khỏe, sống có ích. Ngôi nhà tuy thấp bé nhưng luôn gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp, đặc biệt trước sân và cổng trồng khá nhiều cây cảnh, những chậu, giàn rau sạch theo mùa được bà Nghị cần mẫn trồng cấy, chăm sóc để đảm bảo thức ăn cho chồng và cô con gái mắc di chứng chất độc da cam/dioxin năm nay đã ngoài 30 tuổi.
Gần 40 năm gắn bó với người thương binh nặng, có với nhau 2 người con, trong đó người con gái thứ 2 không được bình thường, cùng nhiều lần mang nỗi đau về những đứa con không thể ở lại cùng bà do di chứng chất độc da cam, nhưng bà Lê Thị Nghị (năm nay đã hơn 70 tuổi) chưa khi nào thấy mệt mỏi và ân hận với quyết định lấy ông Luyện thời tuổi trẻ. Bà chia sẻ: "Tôi gắn bó với nhà tôi như là định mệnh của số phận vậy. Thời con gái khỏe mạnh, nhanh nhẹn có nhiều người ngỏ lời nhưng tôi lại chẳng ưng ý. Khi gặp ông ấy, là người lính mới phục viên từ Trung tâm điều dưỡng về, nhà nghèo đông anh em, thương tật đầy mình, với tôi không chỉ là tình yêu mà còn là tình thương nên quyết tâm xây dựng gia đình với ông ấy."
Ông Luyện là thương binh 81%, là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy và cũng là người bị nhiễm chất độc da cam. Trong trận đánh ở chiến trường Bình Định, ông bị thương vào cột sống nên liệt nửa người, cuộc sống luôn phải gắn với các loại thuốc, sinh hoạt, đi lại phải có người trợ giúp. Nỗi đau vì bệnh tật, những vết thương tái phát khiến nhiều đêm trái gió trở trời ông không thể ngủ, phải ngồi tựa lên những cái gối mềm và liên tục cáu gắt.
Bà Nghị bảo, nhiều đêm thức cùng ông, bà cũng khóc vì thương ông, thương bản thân mình, song đến sáng bà lại gạt nước mắt để tiếp tục chăm sóc, động viên ông- "Vợ chồng là duyên phận trời định, một ngày sống với nhau cũng nên nghĩa trăm năm. Huống chi ông ấy đã hy sinh cả thân mình vì dân, vì nước và những vết thương trong cơ thể thì không dễ gì chia sẻ được với ai…", bà Nghị tâm sự.
Nhưng việc chăm chồng,bệnh tật cũng chỉ là một phần trong cuộc đời bà Nghị, còn một nỗi đau nữa âm ỉ hơn là hoàn cảnh của cô con gái thứ 2 không may bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Năm nay hơn 30 tuổi nhưng cô chẳng biết làm gì, tương lai không biết ra sao.
Hàng ngày, ngoài chăm sóc chồng, bà Nghị còn phải để ý đến cô con gái, tận tình khuyên bảo, an ủi động viên bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, tình cảm nhất để cô không "làm mình làm mẩy", gây chuyện với ông bà và những người xung quanh.
Vậy nhưng, trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, ông bà Luyện-Nghị vẫn luôn vui cười, lạc quan cho biết gia đình mình còn nhiều may mắn so với biết bao gia đình khác. Là bởi vì, ông tuy bị thương nặng nhưng còn được sống và có gia đình với người vợ tần tảo, có cậu con trai lành lặn đang có cuộc sống hạnh phúc, công việc ổn định...
Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ông bà và con gái đều đang được hưởng các chế độ của những người có công, đảm bảo một cuộc sống tương đối ổn định và được thăm hỏi, động viên, tri ân nhân những ngày lễ, Tết, ngày Thương binh, Liệt sỹ… để thấy cuộc sống thật nhiều ý nghĩa.
Bài, ảnh: Hạnh Chi