Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Sâm ở phố Trung Thành, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) vào một ngày trung tuần tháng 3. Ngôi nhà nhỏ của chị rộn rã tiếng cười nói, tiếng rủ rỉ tâm tình của các chị em trong chi Hội Phụ nữ khuyết tật tỉnh đang chuẩn bị các tiết mục văn nghệ cho lễ kỷ niệm ngày 8/3. Tranh thủ lúc giải lao, các chị ngồi quây quần chia sẻ với nhau những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Chị Sâm bảo, với chị và nhiều chị em cùng cảnh ngộ, điều kỳ diệu nhất là họ được tận tay làm những công việc mình yêu thích, được tiêu những đồng tiền do mình vất vả làm ra. Bị khuyết tật vận động bẩm sinh, vì vậy mà cố gắng lắm chị Sâm cũng chỉ theo học được hết lớp 9. Từ ngày nghỉ học, chị Sâm chỉ biết quanh quẩn ở trong nhà, chẳng dám đi đâu và cũng không muốn gặp gỡ ai. Nhiều lần cũng muốn học một nghề để nuôi sống bản thân, nhưng đôi chân tật nguyền khiến chị đi lại còn khó khăn, nói gì tới đi làm. Thế rồi thật may mắn, chị Sâm đã được một người bà con dạy cho cách đan nón. Cái ngày chị cầm kim, khâu những đường vanh đầu tiên cũng đã cách đây hơn 20 năm rồi.
Bây giờ, chị đã là tay kim điệu nghệ, danh sách khách hàng được chị cẩn thận lưu giữ cũng đầy hai cuốn sổ lớn. "Tháng đôi, ba lần mẹ tôi đi Yên Khánh để lấy nguyên liệu cho tôi làm, rồi lại mang sản phẩm ra chợ bán giúp tôi. Nhưng giờ thì mẹ không cần phải mang hàng ra chợ, mà những khách hàng mua buôn, mua lẻ tìm về tận nhà để mua.
Trừ mọi chi phí, mỗi tháng tôi có nguồn thu hơn 1 triệu đồng để thêm thắt tiền sinh hoạt với bố mẹ."- chị Sâm phấn khởi cho biết. Và điều quan trọng hơn, qua lao động, chị Sâm thêm tự tin vào bản thân, vào cuộc sống. Sự nhiệt huyết ấy của chị đã lan tỏa tới nhiều chị em khuyết tật trong phố, phường. Dần dần, chị tập hợp những chị em cùng hoàn cảnh đến nhà để dạy nghề, nhận thêm những đơn hàng về cho chị em cùng làm.
Không những vậy, chị Sâm còn phối hợp với một số chị em khuyết tật ở Yên Khánh cùng làm những đơn hàng lớn, cùng trao đổi những mẫu mã mới. Những lúc rảnh, chị Sâm lên mạng để mày mò, tìm những mẫu nón lạ, thời trang để khâu và quảng bá trên thị trường.
Tạm biệt chị Sâm, chúng tôi tìm về nhà chị Trần Thị Sợi ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh. Một nhóm nữ khuyết tật của huyện Yên Khánh đang tập trung ở nhà chị để học nghề làm hoa lụa do một doanh nghiệp ở Hà Nội về dạy nghề. Công việc này thực sự là thách thức với chị em, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, trong khi nhiều chị em lại bị khuyết tật ở tay. Khó khăn nhiều, nhưng bằng niềm hăng say, kiên trì và nghị lực vươn lên, các chị đã bước đầu làm được những loại hoa đơn giản.
Trước khi học nghề làm hoa, chị Trần Thị Sợi có ngót 30 năm làm nghề khâu nón. Bây giờ chị Sợi muốn chuyển sang một nghề mới, vì vậy khi được giới thiệu nghề làm hoa lụa thì chị đăng ký học luôn. "Loài hoa đầu tiên chúng tôi được học và tận tay làm, gọi là hoa đồng đội. Những bông hoa trắng muốt, nhỏ xinh nhưng tràn đầy nhựa sống, tựa vào nhau vươn lên. Có lẽ, người khuyết tật cũng giống như loài hoa ấy, tưởng mong manh nhưng sức sống thì cũng thật mãnh liệt"- chị Sợi trải lòng.
Chị Phạm Thị Hà, Chị hội trưởng chi hội phụ nữ khuyết tật tỉnh chia sẻ: Trong những lần tham gia các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề của Trung ương Hội Người khuyết tật Việt Nam, chúng tôi đều bày tỏ mong muốn được tạo cơ hội việc làm cho các hội viên, nhất là các hội viên nữ. Bởi chỉ khi có công việc ổn định thì chị em mới tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Từ những buổi nói chuyện đó, đã có doanh nghiệp quan tâm và thử đưa nghề làm hoa về với phụ nữ khuyết tật của tỉnh. Đã có gần 20 chị em đăng ký tham gia học nghề, đến nay các thành viên của lớp học đã làm được những loại hoa đơn giản và được doanh nghiệp hỗ trợ tiền học, bao tiêu sản phẩm.
Khi tay nghề khá hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng làm các loại hoa đòi hỏi kỹ thuật tốt hơn, thu nhập cũng sẽ được cải thiện…Tất nhiên sẽ còn rất nhiều thử thách ở phía trước, song với những người khuyết tật như chúng tôi, được làm việc, được đối mặt với khó khăn để vươn lên đã là một niềm hạnh phúc lớn rồi.
Ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 24.000 người khuyết tật, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm trên 30%. Nhằm tạo cho chị em phụ nữ khuyết tật một tổ chức riêng, đặc thù, Hội Người khuyết tật tỉnh đã thành lập Chi hội người khuyết tật nữ tỉnh Ninh Bình, với mục đích tạo điều kiện để phụ nữ khuyết tật có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống.
Theo đó, Hội Người khuyết tật tỉnh tạo điều kiện cho Chi hội tham gia các hội thảo, tâp huấn nhằm nâng cao năng lực về quản lý và hoạt động trong công tác hội. Đến nay, chi hội đã thu hút trên 60 hội viên ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Dù mới chỉ được thành lập chưa đầy 1 năm, song chi hội đã thực sự trở thành ngôi nhà chung cho phụ nữ khuyết tật. Khi tham gia vào sinh hoạt ở Chi hội, các hội viên sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản như: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; kinh nghiệm trong xây dựng hạnh phúc gia đình; phòng chống bạo lực gia đình; tìm hiểu về Luật hôn nhân, Luật bình đẳng giới và các quy định của Nhà nước đối với người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng…
Bài, ảnh: Đào Hằng