Đối với chị Đặng Thị L., xã Ân Hòa (huyện Kim Sơn), niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời chị là con gái sinh ra khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Con gái chị L. năm nay 7 tuổi, sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, vui vẻ, được đi học, không bị kỳ thị, hòa nhập tốt cùng bạn bè như bao đứa trẻ bình thường khác khiến chị như được sống lại cuộc đời thứ 2.
Chị L. chia sẻ: Tôi và chồng xây dựng gia đình với nhau khi cả hai đều mang trong mình căn bệnh HIV. Động viên nhau để sống, chúng tôi đều tích cực tham gia chương trình điều trị ARV cho những người mang bệnh để được sống khỏe mạnh. Nghĩ hai vợ chồng cùng mắc bệnh, việc sinh con cả hai không dám mơ đến, bởi sợ rằng sinh con ra mắc bệnh như bố mẹ sẽ rất khổ. Nhưng rồi, sau nhiều lần đến cơ sở y tế chăm sóc và điều trị HIV, được các bác sĩ điều trị tư vấn, nếu tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách nghiêm ngặt, đúng quy trình theo hướng dẫn, tỷ lệ trẻ sinh ra lây bệnh rất thấp, chỉ vào khoảng 2-5%. Khao khát cháy bỏng có một đứa con, nên chúng tôi quyết định thực hiện theo sự tư vấn của bác sĩ.
"Những ngày tháng mang thai là những ngày dài hồi hộp và lo lắng của vợ chồng tôi. Chúng tôi luôn cầu nguyện một sự may mắn đến với mình. Rồi niềm vui vỡ òa khi con chúng tôi sinh ra khỏe mạnh. Càng hạnh phúc hơn khi sau nhiều lần làm xét nghiệm HIV, cháu đều có kết quả âm tính... Đây là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà chúng tôi có được, trở thành động lực để vợ chồng tôi vượt lên bệnh tật, tích cực lao động và nuôi dạy con khôn lớn... " - chị Đặng Thị L. vẫn nguyên vẹn niềm vui khi cách đây 7 năm sinh cô con gái đầu lòng.
Câu chuyện của vợ chồng anh Đinh Văn M. và chị Nguyễn Thị H., xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) trong hành trình tìm kiếm đứa con khỏe mạnh, không mắc bệnh như bố mẹ cũng khiến nhiều người xúc động. Chị H. chia sẻ, hơn chục năm trước đây, với mỗi người không may mắc căn bệnh thế kỷ HIV, sự mặc cảm, tự ti vô cùng lớn. Tưởng như cuộc đời khép lại với anh, chị khi không biết tương lai bệnh tật sẽ thế nào, cuộc sống ra sao. Đã có lúc anh, chị rơi vào bế tắc, tuyệt vọng, không còn niềm tin để bước tiếp.
Không chịu khuất phục số phận, anh M., chị H. gạt bỏ những lỗi lầm của quá khứ, vươn lên làm lại cuộc đời. Rồi cuộc sống gia đình dần ổn định, nhưng hai vợ chồng cảm thấy thiếu vắng và trống trải. Ước mong được làm cha, làm mẹ và được dõi theo con lớn lên cứ thôi thúc và lớn dần. Sau đó, được tuyên truyền, tìm hiểu, đặc biệt nhận được sự hướng dẫn tận tình của các y, bác sỹ, anh chị M. quyết tâm sinh con với niềm tin con sẽ may mắn không bị lây truyền bệnh từ bố mẹ.
Được sự hướng dẫn của các bác sỹ, trong quá trình mang thai, chị H. nghiêm túc thực hiện phác đồ điều trị về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (PLTMC) cho người có HIV trong cả quá trình mang thai và sau sinh.
Điều kỳ diệu đã xảy ra, con gái đầu anh chị sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Tin tưởng vào sự phát triển của y học, 5 năm sau, anh chị sinh tiếp một bé trai. May mắn và hạnh phúc vỡ òa khi cả 2 con đều khỏe mạnh, phát triển bình thưởng như bao đứa trẻ khác. Hiện các con anh chị được đi học, phát triển đầy đủ cả thể chất và tinh thần, khiến cuộc sống của anh chị như được hồi sinh, là động lực để anh chị thêm tin yêu vào cuộc sống, nỗ lực lao động nuôi dạy các con trưởng thành.
Bác sĩ Ngô Thị Hồng, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết: Với những tiến bộ của y học, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng sinh con an toàn của bà mẹ nhiễm HIV nếu được dự phòng lây truyền đúng cách. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 9 chương trình ưu tiên của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS. Chương trình hướng tới mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai.
Tại Ninh Bình, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bắt đầu được triển khai từ năm 2010. Sau gần 10 năm triển khai, chương trình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều bà mẹ. Hầu hết phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Trong giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh có 92 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong đó, số được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là 90. Kết quả, hầu hết số trẻ sinh ra không nhiễm HIV từ mẹ, còn lại 7 trẻ sinh ra nhiễm HIV là do mẹ không điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hoặc mẹ nhiễm HIV phát hiện muộn khi đã mang thai.
Cũng theo bác sĩ Ngô Thị Hồng, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, nếu được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đúng thời điểm, đúng phác đồ và tuân thủ đầy đủ các yếu tố trong điều trị, thì tỷ lệ lây nhiễm này chỉ còn từ dưới 2-5% trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Do đó, việc tiếp cận sớm các dịch vụ rất có ý nghĩa đối với các bà mẹ mang thai và đứa con mà họ đang mang trong bụng.
Do vậy, phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phấn đấu thời gian sớm nhất đạt được mục tiêu loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, từng bước xây dựng cuộc sống không có người nhiễm HIV/AIDS.
Bài, ảnh: Hạnh Chi