Một sự kiện tuy không mới nhưng có thể là một dấu mốc trong quá trình phát triển môn bơi Ninh Bình, đó là việc 2 tuyển thủ Ninh Bình là Hoàng Mạnh Phong và Phạm Thị Linh được gọi lên đội tuyển trẻ Quốc gia. Hai kình ngư nhí Ninh Bình hiện đã có mặt tại Trung tâm huấn luyện TDTT Quốc gia 3 (Đà Nẵng) học tập, hướng tới chiến dịch tìm kiếm những chiếc huy chương cho TDTT thành tích cao Ninh Bình.
Công bằng mà xét, về môn bơi, Ninh Bình là tỉnh "sinh sau đẻ muộn". Cả về lịch sử đào tạo lẫn kinh nghiệm chuyên môn đều đi sau các trung tâm khác. Tuy nhiên không vì lý do đó mà nghi ngại việc mở đào tạo môn bơi. Từ hè năm 2015, Trung tâm TDTT tỉnh đã mở được 2 lớp phong trào tại Kênh Gà (Gia Thịnh, Gia Viễn) và Thành phố Ninh Bình.
Qua các lớp phong trào, bước đầu cũng tuyển chọn được những vận động viên có tố chất, để đào tạo thành vận động viên chuyên nghiệp thành tích cao. Để lọt vào "mắt xanh" của các nhà chuyên môn, các vận động viên phải đạt được nhiều tiêu chí về mặt thể chất như: chiều cao, chiều dài sải tay.
Sau bước này, các vận động viên bơi sẽ được huấn luyện các kỹ thuật cơ bản của môn bơi. Và để được chọn vào đội tuyển trẻ quốc gia các kình ngư nhí còn phải trải qua các bài kiểm tra khắt khe về: độ lướt nước, bơi kỹ thuật, động tác đạp chân thành bể, cách duỗi thẳng lưng thẳng tay...
Hiện tại Trung tâm huấn luyện TDTT Quốc gia 3 (Đà Nẵng) đội tuyển trẻ quốc gia có khoảng mười kình ngư nhí được tuyển chọn tại nhiều tỉnh về huấn luyện. Ninh Bình góp mặt với số lượng 2 là một con số đáng kể. Bởi lẽ như đã nói ở trên lịch sử và kinh nghiệm đạo tạo của môn này tại Ninh Bình khá mỏng, việc được góp mặt 2 tuyển thủ nhí có thể nói là một sự may mắn lớn.
Hai tuyển thủ Ninh Bình lên tuyển có nhiều thuận lợi: được huấn luyện bởi các huấn luyện viên giỏi của Quốc gia; tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp với các trang thiết bị đạt quy chuẩn, có nhiều đối trọng để liên tục nâng cao thành tích.
Ngoài ra khi tham gia tuyển trẻ, các kình ngư nhí cũng được hưởng chế độ tiền ăn (150 nghìn/ ngày) và tiền lương (120 nghìn/ ngày) của vận động viên tuyển trẻ Quốc gia. Và trong thời gian tham gia huấn luyện tại đội tuyển trẻ, các chế độ khác vẫn được duy trì tại Trung tâm TDTT tỉnh như: tiền công, khoản hỗ trợ...
Tuy có 2 tuyển thủ vào tuyển trẻ quốc gia, nhưng việc phát triển môn bơi Ninh Bình vẫn có những khó khăn nhất định. Thứ nhất, tuy đào tạo môn bơi nhưng ở thời điểm hiện tại Trung tâm TDTT tỉnh chưa có bể bơi, việc huấn luyện vận động viên phải thực hiện bằng một hợp đồng dịch vụ với Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh. Điều này đã hạn chế phần nào sự chủ động trong lịch trình huấn luyện các vận động viên.
Ngoài ra, do đặc thù về chuyên môn, độ tuổi của các vận động viên bơi thường đạt thành tích cao nhất vào khoảng 18-22 tuổi, do vậy việc đào tạo vận động viên trẻ phải từ độ tuổi 11-12 tuổi. Việc các tuyển thủ nhí được gửi đi đào tạo xa nhà cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, điều này cũng tác động phần nào đến việc tìm kiếm nguồn vận động viên.
Trong thời gian tới, với sự nỗ lực của Trung tâm TDTT tỉnh, hy vọng việc đào tạo môn này sẽ có những cải thiện đáng kể. Và trong khi chờ đợi những thành tích mới từ công tác đào tạo môn bơi, người hâm mộ chờ đợi những trắc nghiệm thành tích Giải bơi các lứa tuổi toàn quốc được tổ chức vào thàng 8-2016, với hai gương mặt trẻ Ninh Bình lần đầu tham dự tranh tài.
Phương Nam