Một tháng sau, đoàn nhà văn trẻ Hội nhà văn Việt Nam đi thực tế về Ninh Bình, chúng tôi đề nghị các đồng nghiệp ở Hội văn nghệ cho đến xã Yên Phong, huyện Yên Mô chào nghệ nhân Hà Thị Cầu, người hát xẩm đã sống gần trọn một thế kỷ, mà theo chúng tôi là một trong nhiều địa chỉ văn hóa cần viếng thăm tại miền đất giàu truyền thống này. Nghe nói dạo này bà Cầu đã yếu nhiều, còn được ngày nào thì biết ngày ấy thôi…
Đã nghe nhiều về cuộc sống đơn sơ, đạm bạc của bà nhưng quả thực khi tận mắt chứng kiến, vẫn không khỏi cảm thấy ngậm ngùi. Căn phòng quá chật, kê vừa đủ hai chiếc giường. Chị Mận, con gái bà Cầu ngượng ngùng: "Các bác ra sân ngồi chơi, tôi chưa kịp dọn giường của cụ". Còn nhớ ngày trước có người phỏng vấn bà Cầu, hỏi: "Hát xẩm có giàu không?" Bà đáp: "Giàu thì anh đi mà hát!".
Khi chúng tôi còn đang lúng túng xoay xở ngoài cái sân hẹp thì một cụ bà xách cái nhị lom khom đi ra. "ối giời ơi quý hóa quá, các bác ở đâu về vậy ta?" miệng hỏi, tay bà đưa lên bẹo má mấy nhà văn nữ trong đoàn. "Tôi thích nhất là được bẹo má con gái", rồi không đợi ai bảo, bà ngồi luôn xuống ghế, cất tiếng hát: "Mẹ kể con nghe, mẹ kể con nghe, mới sinh con đã biết gì..." (Từ đây, những chữ in nghiêng trong bài viết này là lời hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu - TG).
Bấy giờ là tiết cuối xuân, đầu bà Cầu chít khăn, người khoác áo len mỏng, gương mặt nhăn nheo, đôi lông mày nhíu lại, riêng đôi mắt như đang dõi về một miền xa thẳm thì vẫn lấp lánh sự tinh quái. Đặc biệt, những ngón tay xương xẩu mềm mại lướt trên cây nhị dễ như bỡn! Còn giọng hát thì tràn trề khí lực, nhả chữ nào ra chữ ấy. Chúng tôi chợt liên tưởng đến một cây gỗ lũa dai dẳng chống lại thời gian bằng sức sống tự nhiên bền bỉ hiếm có của mình.
Bà Cầu 7 lần sinh nhưng chỉ nuôi được 3. Anh con trai cả tên Cầu, về sau tên anh thành nghệ danh của bà. Hiện bà sống với cô con gái thứ tên Mận. Cô Mận kể: "Cái đận đầu năm nay cụ nhà tôi ốm nặng lắm, tưởng không qua khỏi. Nhưng cứ có khách đến thăm là bà lại ra hát".
Chúng tôi ái ngại hỏi: "Cụ ơi, hát mãi thế có mệt không?". Bà Cầu bĩu môi: "Đi hát xẩm mà sợ mệt thì lấy đâu mà ăn? Tôi dạo này yếu rồi, chứ không thì hát cả ngày", rồi lại tiếp tục ngân nga: "Ai ơi chớ vội khóc thầm/Tôi đây chính người lịch sự không phần nề chi, í ì…" "Dạo này cụ thấy trong người thế nào? Có bệnh gì không?". Bà Cầu đáp ngay: "Tôi chả có bệnh gì sất, chỉ có bệnh tu tu thôi". Chúng tôi còn ngơ ngác chưa hiểu thì anh cán bộ Hội văn nghệ tỏ ra thông thạo, hỏi: "Chúng cháu tưởng dạo này cụ cai được rượu rồi?" - "Tôi mà bỏ rượu thì có mà về với âm cung luôn!" Cô Mận kể, hồi bà Cầu ốm thập tử nhất sinh, gia đình không dám để bà uống rượu nữa. Nhưng bây giờ ngày lại duy trì ba cữ, mỗi cữ chỉ cho một chén nhỏ thôi. Chúng tôi hỏi: "Bữa cụ ăn được mấy bát cơm?". Tay không ngừng kéo nhị, bà Cầu đáp ráo hoảnh: "Mười một bát. Nhưng tính thiếu đi mười!", khiến tất cả phá lên cười.
Bà Cầu sinh ra ở ý Yên, Nam Định, theo cha đi hát từ năm lên 8 tuổi. Sau khi cha mất, bà về Ninh Bình theo ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu rồi làm bạn với ông ấy. "Ai ơi phu xứng phụ tòng/Lấy chồng thì phải theo chồng ra đi". Hỏi đời bà đã đi hát những đâu, đáp: "khắp thế giới!". Gần 90 năm đi hát, mọi thứ ngấm vào máu rồi, nên dù đã gần trăm tuổi mà bà Cầu vẫn giữ nguyên lối đối đáp sắc sảo, hóm hỉnh và có phần đáo để của người cả đời ăn cơm thiên hạ. Mỗi lần hát xong một điệu cho chúng tôi nghe, bà Cầu lại chìa tay ra, rồi như chợt nhớ, bà rụt phắt ngay tay lại…
Hỏi: "Đêm cụ ngủ được mấy tiếng?" - "Chỉ độ nửa tiếng thôi, chứ nếu ngủ được thì giọng tôi còn trong nữa!" - "Không ngủ được, có nhớ cụ ông không?" - "Nhớ gì nữa, mấy chục năm qua rồi còn gì!" Ngày bà Cầu về làm lẽ cho ông Mậu thì ông đã 49 còn bà mới 16 tuổi. Năm bà gần 40 tuổi thì ông qua đời, thương con, bà định đi bước nữa, nhưng không vừa duyên phải số nên đành ở vậy. "Bõ công lội suối trèo non/tu nhân tích đức cho cháu con sau này… Làm người phải biết tu nhân tích đức các bác ạ. Phúc đức tại mẫu bà ơi/Nào ai bảo phúc đức tại ông tôi bao giờ! Còn cha mẹ dạy con thì phải sao cho nó học được chữ "hiếu". Các cố ngày xưa nói mãi rồi: Hiếu đến đâu thì phúc đến đấy".
"Cụ ơi, hát xẩm khó nhất là cái gì?" - "Nhiều điệu khó lắm. Nhưng khó nhất vẫn là cái điệu Thập ân thôi." - "Chúng cháu muốn hỏi đến kỹ thuật…" - "Thì tất cả nằm trong điệu ấy. Vì nó dạy cho con người ta chữ "hiếu".
Chúng tôi chuyển đề tài: "Nghe nói người ta đang làm hồ sơ xin UNESCO công nhận hát xẩm là di sản văn hóa nhân loại. Cụ thấy lớp trẻ bây giờ có ai hát được?". Vốn là người mau miệng, vậy mà lần này bà Cầu im lặng. Chúng tôi gặng hỏi: "Cô Sợi (Vũ Thị Thu Sợi, người được báo chí gọi là "truyền nhân" của bà Cầu), cô Thanh Ngoan, cô Mai Tuyết Hoa… cụ thấy ai hát hay nhất?". Mắt bà Cầu lại nhìn vào nơi xa xăm. Một lúc lâu sau bà mới miễn cưỡng đáp: "Lâu lắm chúng nó không đến, tôi không nhớ nữa. Sợi thì chưa đi đến đâu, tôi dạy nó tôi biết. Thanh Ngoan cũng còn yếu, Hoa thì không có hơi mấy… Giá như chúng nó còn đến thì… Ai ơi nhớ bước chân già/Người ta đi trước tôi đà theo sau/Chữ chung tình ai cũng như nhau/Kẻ đi trước tôi theo sau không có thiết gì".
Sợ bà Cầu mệt, chúng tôi nắm chặt lấy những ngón tay xương xẩu của bà không cho đàn nữa. Những ngón tay lạnh giá của tuổi tác. "Tay con ấm thế, đó là người khỏe. Tay tôi giá lắm rồi. Chân cũng lạnh lắm. Chẳng biết khi nào thì các cụ cho theo xuống lỗ đây…".
Hữu Việt