Trong mỗi gia đình có con em dự thi đại học, cao đẳng, có lẽ việc được quan tâm nhất là con, em học, thi như thế nào; kết quả ra sao?! Không khí "nóng" ấy lan đến từng "ngõ ngách" của cuộc sống thường nhật. Trong bối cảnh ấy, nhạc sỹ đã sáng tác ca khúc "Niềm vui con vào đại học".
Giai điệu tha thiết, tự hào. Ca từ bật lên như những tiếng reo vui, thể hiện niềm vui ngập tràn khi được tin con vào đại học. Những người mẹ, người cha, ngày thường vất vả, bận rộn, tưởng như tâm hồn đã chai sạn đi vì nỗi lo "cơm áo, gạo tiền".
Ấy thế mà khi được tin con vào đại học, "tâm hồn nghệ sỹ" của những con người lao động vốn "ngủ quên" bỗng bật dậy. Họ thấy "cây đa làng màu như xanh hơn, cỏ cây khoe sắc thắm trên con đường con tới trường năm xưa".
Và rồi hồi ức tràn về: "Nhớ năm xưa con học bài khi đánh vần tiếng mẹ, tiếng cha, bàn tay non viết lên nét chữ như sợi chỉ mong manh"… Những người đầu tiên được "thưởng thức" bài hát này của Mai Công Thắng đều có chung cảm nhận: Nhạc sỹ đã "đọc" rất trúng tâm sự của những người làm cha, làm mẹ.
Với ca khúc "Lời ru của bố", nhạc sỹ cho biết, anh phổ nhạc bài thơ của Phan Thế Cải, có "thêm thắt" nội dung để cho ra đời ca khúc này. Lời ca, giai điệu trong sáng, tình cảm. Chúng ta đã quen với lời mẹ ru hời bên cánh võng. Còn lời ru của bố, như trong ca khúc của Mai Công Thắng, là "lời ru không lời".
Chỉ có cánh "võng xanh xanh màu lá cây, những năm đi bộ đội bố mang theo hành quân", thế nhưng con nằm trên võng, "đung đưa chiếc võng kể nghe như là tiếng ru". Hình bóng người cha, hơi ấm, lời ru đều "ẩn" trong chiếc võng. Núi rừng Trường Sơn đạn bom cày xới, cơn sốt rét rừng, nụ cười của cha… đều hiện ra khi con nằm trên võng. Cha ru con bằng ký ức, và cánh võng "mang hơi ấm bố, cho đời con lớn khôn". Đó chính là cái hay, cái lạ của "Lời ru của bố".
Lê Văn