Dự luật trên mang tên "Đạo luật Otto Warmbier về trừng phạt chương trình hạt nhân Triều Tiên", nhằm mục tiêu cắt đứt các mối liên hệ giữa Triều Tiên và hệ thống tài chính quốc tế. Ngoài ra, dự luật cũng kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ đóng băng những tài sản tại Mỹ của các thể chế và các công ty nước ngoài có hoạt động hợp tác làm ăn với Triều Tiên, gồm cả việc tuyển dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài.
Bản dự luật siết chặt trừng phạt Triều Tiên đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo (415 phiếu thuận và 2 phiếu chống), ngay sau khi được Ủy ban Dịch vụ Tài chính Mỹ phê chuẩn trong tháng 10/2017. Theo quy định, dự luật này cần được Thượng viện Mỹ và Tổng thống Donald Trump phê chuẩn trước khi chính thức trở thành luật.
Nghị sỹ Andy Barr đánh giá, bản dự luật siết chặt trừng phạt Triều Tiên, xét về ngắn hạn, sẽ khiến các thể chế tài chính nước ngoài làm ăn với Triều Tiên phải đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là theo đuổi những thương vụ mang lại lợi ích cho Triều Tiên, hoặc là có thể làm ăn với Mỹ. "Họ (các thể chế tài chính nước ngoài này) không thể thực hiện cả 2 điều cùng lúc. Mục tiêu của các biện pháp này là nhằm khích lệ các ngân hàng nước ngoài chấm dứt giao dịch với bất cứ ai có liên quan tới các hoạt động kinh tế của Triều Tiên và hướng tới việc chặn đứng khả năng tiếp cận của Triều Tiên đối với các nguồn lực cần thiết giúp nước này theo đuổi tham vọng hạt nhân" - ông Barr nói.
Trong khi đó, Nghị sỹ Carolyn Maloney tuyên bố Mỹ cần làm mọi điều trong phạm vi có thể nhằm cản trở Triều Tiên, trong đó gồm các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới, cũng như các lệnh trừng phạt tài chính thứ cấp nhằm làm suy yếu năng lực tài chính của Triều Tiên - và đây cũng chính xác là điều mà bản dự luật trừng phạt mới đề cập tới.
Động thái mới nhất của các nhà làm luật Mỹ được đánh giá là sẽ làm gia tăng sức ép lên Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với ngày càng nhiều lệnh trừng phạt quốc tế liên quan tới các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trong thời gian gần đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đồng loạt thông qua 2 bản nghị quyết trừng phạt nhằm cắt giảm 1/3 lĩnh vực xuất khẩu thường niên trị giá 3 tỷ USD của Triều Tiên, đồng thời hạn chế các hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của nước này. Các biện pháp trừng phạt trên được đưa ra nhằm ngăn cản Triều Tiên tiếp cận với các nguồn lực quan trọng, có thể hỗ trợ các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà nước này đang theo đuổi, nhằm hối thúc Triều Tiên quay trở lại các vòng đàm phán đa phương về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Dư luận cho rằng, lệnh trừng phạt mới nhất này của Mỹ không những không làm dịu quan hệ Mỹ - Triều Tiên vốn đã căng thẳng mà còn làm cho mối quan hệ này tiếp tục lâm bế tắc./.
Theo Thu Lan (Theo Yonhap, washingtonexaminer.com, messer.house.gov)/dangcongsan.vn