Cuộc đời gắn bó với âm nhạc dân tộc
GS. Trần Văn Khê sinh ngày 24/7/1921, tại làng Vĩnh Kim, Mỹ Tho (Tiền Giang) trong một gia đình 4 đời làm nhạc sĩ. Ông đã sớm tiếp xúc với âm nhạc dân tộc từ những ngày thơ bé. Năm lên 6 tuổi, ông được dạy chơi đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, biết đàn những bản nhạc dễ như Lưu thủy, Bình bán vắn, Kim tiền, Long hổ hội… Âm thanh ngọt ngào, đậm đà hồn Việt của các bản nhạc tự nhiên đi vào tâm hồn của cậu bé Trần Văn Khê từ ngày ấy.
Đến năm 1949, GS. Trần Văn Khê có cơ duyên sang Pháp du học. Đến tháng 6/1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương. Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác.
GS. Trần Văn Khê là một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, được tất cả các nhạc sĩ từ già đến trẻ đều yêu quý, ngưỡng mộ. Cái vĩ đại nhất của GS. Trần Văn Khê là hiểu biết của ông về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Dường như tất cả thời gian và tâm huyết của ông đều dành cho việc giảng dạy, sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân tộc cùng với việc đi quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam trên khắp năm châu. Ông là một kho tri thức về chèo, tuồng, ả đào, hát xẩm, hát ví, hát bài chòi, điệu hò, điệu lý, nhạc tài tử… Từ vốn kiến thức đồ sộ tích lũy được qua thời gian, GS. Trần Văn Khê như một kho từ điển sống về âm nhạc.
Bằng kiến thức, tài năng và tâm huyết của mình, GS. Trần Văn Khê đã giúp cho nhiều người Việt Nam và nhiều người trên khắp thế giới hiểu và yêu vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam trên toàn thế giới. GS. Trần Văn Khê đã có các buổi giới thiệu về loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam cho sinh viên các trường Đại học Sorbonne Paris (Pháp), Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) và nhiều trường khác. Ông đã đi 67 nước trên thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, GS. Trần Văn Khê đã rất quan tâm tới vấn đề bảo tồn và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam. Năm 1976, khi đất nước vừa thống nhất, Giáo sư Trần Văn Khê về nước, miệt mài thu âm các loại hình âm nhạc truyền thống ở Bắc Bộ như quan họ, ca trù. Đặc biệt, bản thu âm tiếng hát của các nghệ nhân Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc, tiếng đàn đáy của cụ Đinh Khắc Ban, tiếng trống chầu của cụ Trúc Hiền đã được đánh giá cao tại Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Bình Nhưỡng (1983).
Sau này, chính Giáo sư Trần Văn Khê là người đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ về nghệ thuật ca trù trình UNESCO, vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, góp phần đưa cồng chiêng đến với UNESCO để di sản văn hóa độc đáo này được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại, được vinh danh với bạn bè quốc tế.
Giáo sư đã dành trọn đời mình cho việc học tập, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế cũng như kiều bào ta đang sinh sống ở nhiều quốc gia. Đó một hành trình dài nhưng đầy tự hào. Hành trình ấy kéo dài hơn 55 năm nơi xứ người và khi về lại quê hương thân yêu, ngoài việc chủ trì những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, ông còn là người động viên, khơi dậy ngọn lửa tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc.
Trái tim tận tụy với âm nhạc dân tộc
Ở Giáo sư Trần Văn Khê, người ta không chỉ học ở kiến thức uyên thâm, ở sự miệt mài tận tụy không ngơi nghỉ mà còn học ở ông nhân cách lớn. Lúc nào và ở đâu, ông cũng hướng về tổ quốc, về quê hương, về văn hóa dân tộc. Câu chuyện về vị giáo sư hơn 55 năm sống nơi xứ người, mang về biết bao vinh quang cho âm nhạc của tổ quốc nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam và đến những năm cuối đời khi trở về quê hương vẫn luôn đau đáu, làm sao để âm nhạc truyền thống Việt Nam không chỉ được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến mà còn dành được sự yêu mến của chính những người Việt Nam khiến ai ai cũng trân trọng.
Sau 56 năm ở Pháp, năm 2006, GS. Trần Văn Khê nhất quyết trở về quê hương để sống và cống hiến trong những năm tháng cuối đời cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà. Ý nguyện của ông đã thành hiện thực khi lãnh đạo TPHCM quyết định cấp ông một căn nhà, vừa làm nhà lưu niệm âm nhạc, vừa là nơi Giáo sư gặp gỡ đồng nghiệp và giảng dạy cho thế hệ trẻ yêu âm nhạc dân tộc.
Dù đã ở độ tuổi 85 nhưng ông vẫn không hề nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Ông cùng các cộng sự xây dựng Thư viện Trần Văn Khê dành cho những ai muốn tìm tòi về nhạc cổ truyền. Cũng tại đây, hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề, biểu diễn nghệ thuật được ông chủ trì. Dù tuổi đã cao, Giáo sư vẫn luôn trăn trở là làm sao để mang âm nhạc dân tộc đến các trường học, nhất là các em học sinh đầu cấp, phải có một phương pháp dạy thật hiệu quả, thoải mái để các cháu nhỏ dễ dàng tiếp thu và yêu thích. Chính bởi vậy, hàng ngày ông vẫn thực hiện dự án "Âm nhạc học đường" của UNESCO tài trợ để thử nghiệm dạy nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học TP HCM. Ông cảm thấy vui khi các học sinh và cô giáo trẻ đều say sưa học, say sưa tìm hiểu âm nhạc dân tộc.
Cả cuộc đời mình, GS. đều dành hết cho âm nhạc dân tộc - nhất là âm nhạc tài tử. Những tư liệu quý giá từ sách, nhạc cụ, băng, đĩa cho đến những chiếc vé mời mà giáo sư từng được mời đến các hội nghị âm nhạc quốc tế, đều được ông cất giữ cẩn thận. Ông đã dành thời gian cuối đời để hệ thống và hiện đại hóa lại kho tư liệu âm nhạc khổng lồ mà ông sưu tầm. Và đến khi ra đi di nguyện của ông là: Tất cả những hiện vật liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của ông từ Pháp mang về Việt Nam như: sách vở, báo chí, đĩa hát các loại, phim ảnh, nhạc khí, máy ghi hình, máy ghi âm, tranh, hình ảnh... được giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm Trần Văn Khê với hy vọng chúng được dùng vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam.
Đây sẽ là "gia tài" vô giá dành cho những ai yêu, muốn nghiên cứu, tìm hiểu về âm nhạc dân tộc. Nơi đây sẽ giúp cho thế hệ trẻ nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam có thể tiếp cận không chỉ với âm nhạc Việt Nam mà còn có thể tiếp cận với toàn bộ nền âm nhạc truyền thống thế giới.
Tuổi tác, sức khỏe đã khiến trái tim GS. Trần Văn Khê ngừng đập. Nhưng với những người yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam, GS. Trần Văn Khê mãi mãi - một con người chân thành, một trái tim nhiệt huyết, người con làm rạng danh nền âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Theo Dangcongsan