Chiều 22/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo quy hoạch xây dựng vùng huyện Nho Quan đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
Góp ý quy hoạch xây dựng vùng huyện Nho Quan
Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan.
Nho Quan là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh, là cửa ngõ quan trọng của tỉnh trong việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc bộ và khu IV cũ. Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, UBND huyện Nho Quan tổ chức lập đồ án Quy hoạch.
Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện Nho Quan với 27 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: 1 thị trấn và 26 xã. Quy mô lập quy hoạch với diện tích tự nhiên khoảng 450,8 km2; mật độ dân số 335 người/km2.
Phát triển vùng huyện Nho Quan theo mô hình cấu trúc gồm 1 trọng tâm; 3 hành lang phát triển và 4 phân vùng phát triển. Định hướng phát triển không gian vùng được phân chia thành 4 vùng.
Vùng trung tâm huyện với diện tích tự nhiên khoảng 7.362 ha, là đô thị hành chính, dịch vụ du lịch tổng hợp của huyện Nho Quan. Khu vực đô thị Nho Quan được định hướng là đô thị loại IV và tương lai sẽ trở thành vùng nội thị của thị xã Nho Quan.
Khu vực thuộc khu Kênh Gà - Vân Trình là khu du lịch tổng hợp, đa lĩnh vực gắn với cảnh quan tự nhiên và hệ thống các công trình di tích có giá trị đặc biệt. Vùng du lịch sinh thái Cúc Phương với diện tích khoảng 16.877 ha, là vùng bảo tồn cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái gắn với Rừng Quốc gia Cúc Phương. Là vùng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nông trại sinh thái, nghỉ dưỡng trải nghiệm kết hợp khu ở gắn với vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương và công viên động vật hoang dã.
Vùng đô thị, dịch vụ du lịch, công nghiệp phía Nam với diện tích khoảng 13.013 ha. Đây là vùng phát triển công nghiệp tập trung, ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, sử dụng nguyên liệu địa phương. Là vùng phát triển mô hình nông trại sinh thái - nghỉ dưỡng trải nghiệm kết hợp khu ở gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (farmstay).
Vùng nông nghiệp, dịch vụ phía Bắc với diện tích khoảng 7.865 ha, là vùng phát triển nông, lâm nghiệp chất lượng cao kết hợp công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nho Quan đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cụ thể hóa các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển không gian của khu vực phát triển đô thị tập trung và các điểm dân cư nông thôn trong huyện; kết nối hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phát triển đồng bộ phù hợp với khả năng đô thị hóa và đầu tư xây dựng hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn toàn huyện Nho Quan.
Đồng tình với báo cáo quy hoạch xây dựng vùng huyện Nho Quan, các đại biểu đề nghị trong quy hoạch phải phân kỳ, xác định rõ lộ trình, nguồn lực thực hiện... Trong đó về định hướng phát triển hệ thống giao thông cần tính toán đến nguồn lực.
Về vấn đề xử lý rác thải môi trường phải đánh giá được hiện trạng, từ đó có quy hoạch chi tiết cho việc phân khu xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Trong định hướng phát triển công nghiệp, cần tính toán lại tỷ trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế, số lượng các trung tâm thương mại trong phân vùng trung tâm huyện; xem xét điều chỉnh lại tính chất khu công nghiệp Phú Long theo hướng công nghiệp cao, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, điện tử.
Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đều cho rằng đây là bản quy hoạch tương đối hợp lý, đề nghị đơn vị tư vấn triệt để tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu bằng văn bản cũng như ý kiến góp ý tại hội nghị, nhất là ý kiến về việc phân kỳ việc quy hoạch.
Đây là đồ án được nghiên cứu kỹ, xác định được tính chất, chức năng của từng vùng tương đối phù hợp, có sự khác biệt giữa các vùng, định hướng phát triển không gian tương đối hợp lý, có tính tương đồng phù hợp với định hướng quy hoạch chung của tỉnh. Đồ án đã xác định rõ nét hạ tầng khung tương đối hợp lý, tuy nhiên cần bổ sung có kết nối khung từ trục Đông Tây về đến khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình.
Sau khi quy hoạch vùng được phê duyệt đề nghị huyện Nho Quan tập trung vào làm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, nhất là những vùng trọng điểm để làm cơ sở cho quản lý và thu hút đầu tư.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là một bản quy hoạch tương đối kỹ, đã tích hợp, tổng hợp và cụ thể hóa một bước ý tưởng phát triển huyện.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Đánh giá cao sự trách nhiệm, tâm huyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, các sở, ngành có liên quan và đơn vị tư vấn để có một đồ án quy hoạch chất lượng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất quan điểm, xây dựng Quy hoạch thể hiện được tầm nhìn bứt phá, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương một cách bền vững, có thể kết nối từ những khu vực nhỏ nhất với nhau.
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới một số tuyến đường kết nối với đường Đông - Tây cũng như không gian phát triển hai bên tuyến đường, nghiên cứu quy hoạch vùng phân lũ, chậm lũ.
Đồng chí đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại hội nghị, hoàn thiện đồ án, sớm xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phấn đấu thông qua trong tháng 5/2022. Sau khi được phê duyệt tiến hành công khai theo quy định, làm cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển không gian của khu vực phát triển đô thị tập trung và các điểm dân cư nông thôn trong huyện, kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội - kỹ thuật phát triển đồng bộ.