Phóng viên (PV): Đồng chí có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh ta?
Đ/c Lê Thị Lựu: Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai, thực hiện các hoạt động, lĩnh vực về bình đẳng giới trên phạm vi toàn tỉnh, từ năm 2007 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác tuyên truyền các cấp, người lao động, người sử dụng lao động và người dân.
Đến nay, Luật Bình đẳng giới đang từng bước đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả bước đầu. Nổi bật nhất là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Hiện tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, cấp tỉnh có 8 đồng chí nữ/51 đồng chí tham gia cấp ủy, đạt 15,7% (tăng 4,2% so với nhiệm kỳ trước); có 2 đồng chí nữ/15 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đạt 13,3% (tăng 1 ủy viên so với nhiệm kỳ trước), trong đó có 1 đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy, 1 đồng chí là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cấp huyện và tương đương có 14 nữ ủy viên Ban thường vụ, đạt 20,1%, tăng 9 ủy viên so với nhiệm kỳ trước; cấp xã có 52 ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, đạt 18%, tăng 1,7% so với nhiệm kỳ trước, trong đó có 6 Bí thư và 29 nữ Phó Bí thư. Hiện nay, có 4/48 đồng chí nữ là Giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 24/134 đồng chí nữ là Phó các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; có 48/187 cán bộ nữ là trưởng phòng, ban và 125/283 cán bộ nữ là phó trưởng phòng, ban; cấp hụyện có 4/20 đồng chí nữ giữ chức Phó Chủ tịch UBND; có 3/16 đồng chí nữ giữ chức Phó Chủ tịch HĐND…
Công tác quy hoạch cán bộ đã đảm bảo yêu cầu về độ tuổi, chú ý đến cơ cấu nữ, đảm bảo giai đoạn sau số lượng cán bộ được quy hoạch nhiều hơn, trình độ chuyên môn cao hơn và độ tuổi trẻ hóa hơn so với giai đoạn trước. Ngoài ra, những năm qua, nữ giới cũng được quan tâm học tập nâng cao trình độ trong tất cả các lĩnh vực; được tiếp cận nhiều các sản phẩm văn hóa, thông tin về bình đẳng giới. Công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ cũng ngày càng được quan tâm, các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ được thực hiện có hiệu quả. Việc bình đẳng giới trong gia đình về cơ bản đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
PV: Tỉnh ta đã có những hoạt động thiết thực, cụ thể gì để góp phần nâng cao vị thế cho người phụ nữ?
Đ/c Lê Thị Lựu: Nâng cao vị thế cho người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn luôn là vấn đề được quan tâm song việc thực hiện thì không dễ dàng. Nâng cao vị thế cho người phụ nữ, không có cách nào khác là giúp họ tự lập được về kinh tế. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ. Theo đó, Ngành đã phối hợp với các cấp Hội nông dân tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 778 nghìn lượt hội viên nông dân, trong đó có 80% là hội viên nông dân nữ… tạo cơ hộ cho phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế. Trong năm 2017, các cấp Hội Phụ nữ cũng đã lập danh sách hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ, xác định nguyên nhân, phân công cán bộ Hội giúp 265 hộ thoát nghèo. Phụ nữ trong tỉnh cho nhau vay không lấy lãi trên 2.500 triệu đồng, 1.600 ngày công, gần 3 nghìn giống cây trồng, vật nuôi để giúp đỡ những gia đình khó khăn trong phát triển kinh tế. Hội Phụ nữ tỉnh cũng tổ chức 44 lớp dạy nghề đan cói, đan bèo bồng, phòng bệnh cho gia súc, đan nhựa trên khung sắt… cho trên 2 nghìn học viên và duy trì nghề thêu, may công nghiệp, khâu chăn bông xuất khẩu… và giới thiệu việc làm cho trên 2.500 phụ nữ.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng tiếp tục được chú trọng, trong năm 2017 đã tổ chức dạy nghề cho trên 17 nghìn người, trong đó có 12 nghìn người là nữ, chiếm trên 70%; tỷ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật là 685 người… Có nghề trong tay, phụ nữ đã có thêm cơ hội để tìm việc làm phù hợp. Riêng năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tư vấn cho trên 9 nghìn lượt lao động nữ, giới thiệu việc làm cho hơn 200 lao động nữ. Cũng trong năm 2017, đã phối hợp với Ngân hàng chính sách, Ngân hàng NN&PTNT cho vay thêm 118,03 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ lên trên 2 nghìn tỷ đồng cho trên 89 nghìn lượt người vay, trong đó có trên 28 nghìn phụ nữ nghèo. Với sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng xã hội, phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế, trong đó nhiều phụ nữ còn vươn lên làm chủ các doanh nghiệp. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.800 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 400 doanh nghiệp do phụ nữ đứng chủ, chiếm 14,6%.
PV: Theo đồng chí, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ thời gian tới cần tập trung vào những hoạt động gì?
Đ/c Lê Thị Lựu: Trên thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, nổi bật đó là tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức và nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 78 trường hợp bạo lực gia đình, chủ yếu là bạo lực về thể chất, trong đó 93% nạn nhân là phụ nữ. Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra tại một số địa phương, hay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn khá cao với tỷ lệ 115,1 bé trai/100 bé gái… Xác định rõ những vấn đề ảnh hưởng đến sự tiến bộ của phụ nữ, trong thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của lãnh đạo chính quyền, người dân; tổ chức tư vấn, hỗ trợ kịp thời những trường hợp có nguy cơ bị bạo lực nhằm khắc phục những khó khăn trong cuộc sống; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) và xã Mai Sơn (Yên Mô). Cùng với đó, nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bình đẳng giới và công tác dân số- KHHGĐ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị sẽ góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong cả gia đình và ngoài xã hội.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng