Đồng chí Đoàn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh cho biết: Công tác xã hội là một nghề có vai trò quan trọng, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân, từng nhóm nhỏ và cộng đồng những người yếu thế. Vì vậy, nghề này đòi hỏi những người làm trong nghề phải có những kỹ năng mềm nhất định nhằm đáp ứng được các nhu cầu của công việc. Nắm bắt được điều này, trong nhiều năm qua, bên cạnh việc thành lập mạng lưới đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội, Trung tâm chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên.
Theo đó, Trung tâm tăng cường tổ chức các lớp tập huấn các kiến thức cơ bản, kỹ năng, phương pháp của nghề công tác xã hội như: Kỹ năng lắng nghe, quan sát, giao tiếp, tham vấn, ghi chép; chức năng, nhiệm vụ và quy trình trợ giúp cho các đối tượng xã hội ở ngoài cộng đồng khi cần sự trợ giúp. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã tổ chức mở các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho 2.000 cộng tác viên công tác xã hội (các bí thư chi bộ, trưởng thôn xóm, chi hội trưởng phụ nữ, hội CCB). Thông qua các lớp tập huấn đã giúp các cộng tác viên công tác xã hội có kiến thức để phối hợp với các ban, ngành cũng như với Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh giải quyết các vấn đề của cộng đồng.
Cùng với đẩy mạnh công tác tập huấn, Trung tâm còn quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông, nâng cao năng lực và phát triển cộng đồng. Hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, người dân về nghề công tác xã hội, các nội dung hoạt động của công tác xã hội cũng được Trung tâm tổ chức thường xuyên. Trong những năm qua, Trung tâm đã thiết kế, in và phát hành 15.000 tờ rơi tuyên truyền chức năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Ninh Bình xây dựng phóng sự đưa tin về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và nghề công tác xã hội; tổ chức tập huấn cho cán bộ, viên chức của Phòng Tư vấn và trợ giúp đối tượng về quy trình tiếp nhận, quản lý, chăm sóc đối tượng...
Ông Trần Đức Cường, cộng tác viên công tác xã hội ở thôn Lam, xã Sơn Thành (Nho Quan) cho biết: Được tham gia các lớp tập huấn, tôi đã được trang bị các kỹ năng "mềm", giúp giải quyết công việc tốt hơn. Nhất là kỹ năng tham vấn, các kỹ năng cụ thể như lắng nghe, đặt câu hỏi để làm việc với những đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương. Từ đó tư vấn, giúp đối tượng nâng cao khả năng đối phó với vấn đề trong cuộc sống tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Trấn Hưng, xã Gia Trung (Gia Viễn)- một trong những cộng tác viên công tác xã hội chia sẻ: Được tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh Bình, tôi đã học được cách lắng nghe, quan sát hành vi của đối tượng một cách tinh tế, không chỉ bằng tai, mà còn bằng mắt và cả bằng tâm của người làm công tác xã hội. Điều này giúp tôi có thể gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với các đối tượng yếu thế ngoài cộng đồng một cách tốt hơn.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội khi cần thiết, các cán bộ, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Ninh Bình đã tích cực đi cơ sở để tuyên truyền, tư vấn, kết nối, can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng tại cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Với đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội tâm huyết, nhiệt tình và mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội được mở rộng, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động đã và đang góp phần trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã được hội tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi ngày một tốt hơn. Điều đó cũng góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Minh Ngọc