P.V: Thưa chị, với vai trò là người đứng đầu của tổ chức Hội Phụ nữ tỉnh, chị đánh giá như thế nào về sự phối hợp của Hội phụ nữ và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc giúp hội viên phụ nữ nói riêng và hộ nghèo trong tỉnh nói chung có cơ hội vươn lên thoát nghèo?
Chị Vũ Thị Tần: Trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình, mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và việc làm luôn được quan tâm.
Là một tổ chức chính trị - xã hội với chức năng đại diện cho quyền lợi của phụ nữ, Hội LHPN tỉnh nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo là một vấn đề có tính chất lâu dài, đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức và của chính người nghèo. Việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế mà còn tính đến hiệu quả xã hội, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Hội, bởi vì nghèo đói, thiếu việc làm tác động mạnh mẽ đến mỗi gia đình, mà người chịu thiệt thòi, nhất là phụ nữ và trẻ em, điều này ảnh hưởng lớn đến sự bình đẳng, tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Từ Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tham gia tích cực vào công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm phát huy hết tiềm năng lao động nữ của Ninh Bình.
Trên cơ sở kết quả khảo sát các hộ nghèo cho thấy, vay vốn để phát triển sản xuất luôn là nhu cầu cấp bách của phụ nữ nghèo, Hội LHPN tỉnh đã ký văn bản liên tịch với Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức thực hiện ủy thác vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Qua 10 năm triển khai, đến nay giữa 2 ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện chương trình ủy thác một cách đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Đến nay, số vốn của hội phụ nữ nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chiếm trên 44% tổng dư nợ của toàn tỉnh. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo cấp Hội cơ sở thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định của Ngân hàng và bình xét công khai, đúng đối tượng thụ hưởng.
Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân đến tận tay đối tượng và kiểm tra, đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt theo thời vụ, đối với từng loại cây, con. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của hội viên, đồng thời cũng giúp hội viên tìm đầu ra và thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, do đó mỗi năm các cấp Hội trong tỉnh đã giúp 200-300 hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, tạo lập cuộc sống ấm no.
P.V: Xác định công tác giảm nghèo là một việc làm đòi hỏi người cán bộ phải có cái tâm và sự nhiệt huyết. Với vai trò của người đứng đầu tổ chức Hội phụ nữ, chị đã làm gì để các cán bộ hội cùng vào cuộc?
Chị Vũ Thị Tần: Người nghèo hiện nay không chỉ nghèo về vốn mà còn nghèo về kiến thức, nghèo về ý chí. Vì vậy, để giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững không chỉ đơn thuần là đưa cho họ con cá mà phải giúp họ có cái cần câu và hướng dẫn họ cách làm sao để câu được cá. Bên cạnh những trường hợp neo đơn, ốm yếu thì vẫn có những trường hợp cả hai vợ chồng còn trẻ, sức khỏe tốt mà vẫn nghèo.
Trước khó khăn đó, Hội LHPN tỉnh đã giao chỉ tiêu cho các cấp hội trong việc giúp đỡ hội viên thoát nghèo và quản lý nguồn vốn ủy thác, khai thác, huy động vốn... Bằng nhiều cách làm hiệu quả, 100% các cấp hội đã đạt chỉ tiêu và nhiều chi hội đã vượt cao chỉ tiêu đề ra. Cùng với việc giao chỉ tiêu cho các cấp Hội, Hội LHPN tỉnh cũng thường xuyên giáo dục những đức tính cần thiết của người phụ nữ hiện đại "Trung thành, chung thủy, tận tụy, vị tha". Mở các lớp chuyên đề về vai trò của người phụ nữ trong xã hội... Từ đó, các cán bộ, hội viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong công cuộc giúp các hội viên xóa đói, giảm nghèo.
Để giúp người nghèo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, thực sự giảm nghèo bền vững, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của các đối tượng được vay; giám sát việc bình xét cho vay của các cấp hội cơ sở và Tổ tiết kiệm và vay vốn có đảm bảo đúng đối tượng? việc ghi chép, lưu trữ sổ sách tài liệu của các tổ trưởng tổ vay vốn có đúng quy định?... Khi giúp các hộ nghèo, Hội cũng có những cam kết ràng buộc giữa hai bên để các hộ có trách nhiệm trong việc trả vốn và lãi cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn đúng kỳ hạn. Bên cạnh đó, Hội còn mở các lớp dạy nghề như: đan bèo bồng, chẻ tăm hương... tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Nhờ vậy mà nợ xấu của các cấp hội chỉ khoảng 0,3-0,6%.
P.V: Hơn 10 năm phối hợp thực hiện công tác nhận ủy thác nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách để giúp phụ nữ thoát nghèo, chị có những kỷ niệm nào sâu sắc?
Chị Vũ Thị Tần: Hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội LHPN tỉnh và là người đứng đầu quản lý nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho tôi rất nhiều bài học kinh nghiệm trong việc giúp hội viên, phụ nữ xóa đói, giảm nghèo. Một bài học cho các cán bộ hội khi tham gia công tác này đó là không được nóng vội, không được suy tính đến những việc xa vời mà phải tùy vào điều kiện thực tế của các đối tượng cần giúp đỡ có khi là cầm tay chỉ việc.
Nhiều cấp hội đã thành công chỉ với những việc làm rất nhỏ như tặng hộ nghèo một con lợn giống, đàn gà con, giúp họ mua con giống tốt và hướng dẫn họ cách chăm sóc cây, con hàng ngày theo đúng kỹ thuật và quy trình... Tôi còn nhớ có Chi hội thuộc Hội Phụ nữ thành phố Ninh Bình khi cho hộ nghèo vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua xích lô, Chi hội đã phải hướng dẫn, giới thiệu tìm việc làm, thường xuyên theo dõi, đôn đốc để đối tượng không bỏ nghề.
Có một hội viên mà đến nay khi nhắc đến, các cán bộ Hội vẫn cảm động đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Thậm (xã Khánh Cư, Yên Khánh), chồng câm, còn chị bị ngọng, cuộc sống rất khó khăn. Hội đã giúp đỡ để chị Thậm được vay vốn. Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với sự hướng dẫn, động viên của các cán bộ Hội, chị Thậm đã chăm chỉ làm việc, tận dụng những mảnh đất thừa mọi người không trồng cây vụ đông chị tận dụng để trồng đỗ tương. Từ việc bán đỗ tương, chị đã mua thêm một máy làm đậu phụ. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chị Thậm đã vươn lên thoát nghèo. Chị đã được Hội LHPN tỉnh cử đi tham dự Liên hoan phụ nữ điển hình tiên tiến toàn quốc.
P.V: Hiện nay, khi đã nghỉ chế độ, chị có còn ấp ủ dự định gì không?
Chị Vũ Thị Tần: Có rất nhiều điều mà khi còn đang công tác, tôi chưa làm được đó là việc giúp đỡ những người phụ nữ khó khăn, dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, khi về hưu tôi có một tâm nguyện là mở Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng bền vững. Với việc thành lập Trung tâm này, tôi mong muốn tạo thành mái nhà chung cho những người phụ nữ có thể chia sẻ và có thêm kiến thức tự tin trong cuộc sống. Tôi luôn nghĩ rằng khi người phụ nữ tự tin, có kiến thức, khẳng định được vai trò của mình trong gia đình và trong xã hội thì họ sẽ có nghị lực để thoát nghèo, tạo cho mình một mái ấm hạnh phúc, tiến bộ và bình đẳng.
P.V: Xin cảm ơn chị!
Bảo Yến (thực hiện)