Cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân, Hiệu trưởng trường mầm non Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) cho biết: Nhà trường có trên 400 trẻ mầm non, chia làm 2 khu, trong đó số trẻ 5 tuổi có 154 cháu, còn lại là trẻ từ 2 đến 4 tuổi. Với mong muốn các em có những bữa ăn chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc hay các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP, từ khâu nhập nguyên liệu, sơ chế, bảo quản đến chế biến và chia phần cho học sinh. Theo đó, thực phẩm được nhà trường ký kết với các cơ sở cung ứng đảm bảo tươi ngon, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được các cấp có thẩm quyền xác nhận đảm bảo ATTP.
Trong quá trình chế biến, có nơi sơ chế thực phẩm sống, nơi chia thực phẩm chín; có đủ trang thiết bị đồ dùng, dụng cụ nhà bếp, tủ và kho bảo quản thực phẩm; thực hiện chế độ ghi chép, lưu mẫu thực phẩm hàng ngày 24h theo quy định.
Đặc biệt, đội ngũ nhân viên dinh dưỡng, nấu ăn của trường đều có bằng cấp từ sơ cấp đến trung cấp nấu ăn, hàng năm được tập huấn về công tác đảm bảo ATTP và thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Từ cán bộ quản lý đến giáo viên, nhân viên phục vụ, nhân viên nấu ăn của trường đều nghiêm túc thực hiện các văn bản, pháp luật về công tác bán trú, giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học theo quy định của ngành Giáo dục...
Cùng với đó, việc xây dựng thực đơn được thực hiện thay đổi theo mùa, thay đổi theo tuần, hạn chế thấp nhất việc sử dụng các thực phẩm, đồ ăn sẵn. Hiện nhà trường đang phục vụ 3 bữa ăn/ngày, trong đó có 2 bữa chính và 01 bữa phụ, trị giá các bữa ăn 17 nghìn đồng. Món ăn được chế biến dễ ăn, đẹp mắt, tạo cảm giác ngon, cách chế biến phù hợp với khẩu vị và sở thích của trẻ. Thực đơn hàng ngày được công khai tại bảng thông tin của trường để phụ huynh tiện theo dõi, giám sát.
Thêm vào đó, cán bộ, giáo viên và nhân viên trường Mầm non Ninh Khánh cũng luôn chủ động tổ chức tổng vệ sinh từ khu bếp đến phòng học định kỳ. Đồng thời, các giáo viên còn lồng ghép nội dung giáo dục trẻ về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh cơ thể, an toàn thực phẩm, vào các giờ hoạt động chung, giờ học ngoại khóa..., nhằm giúp trẻ tích cực tham gia giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm, chủ động thực hiện các công việc phù hợp với lứa tuổi của các em, như: Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; che miệng khi ho, ngáp; giữ vệ sinh môi trường bằng việc không xả rác bừa bãi, không khạc nhổ; hình thành thói quen và các hành vi văn minh nơi công cộng, tạo môi trường thân thiện, sạch sẽ, an toàn trong lớp, tại trường và gia đình, nơi công cộng....
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, nhiều năm qua, trường Mầm non Ninh Khánh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Số trẻ ăn bán trú luôn đạt 100%. Tỷ lệ trẻ tăng cân, phát triển theo các chỉ số cân nặng, chiều cao của Bộ Y tế, được phụ huynh tin tưởng, ghi nhận.
Theo Sở GD&ĐT Ninh Bình, hàng năm, toàn tỉnh có gần 400 trường học từ bậc mầm non đến THPT tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nội trú, với hàng chục nghìn học sinh. Trong đó, tỷ lệ trường mầm non ăn bán trú chiếm trên 90%, khối tiểu học chiếm gần 50%. Riêng thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, có gần 100% các trường mầm non và tiểu học tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường. Riêng học kỳ II năm học 2019-2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sau khi trở lại trường học, số học sinh ăn bán trú giảm đáng kể, từ bậc mầm non đến tiểu học.
ể học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là vào mùa hè nóng bức, Sở GD&ĐT có công văn chỉ đạo các nhà trường có học sinh ăn bán trú cần thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế về đảm bảo ATTP, lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn từ những cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm đầy đủ.
Đồng thời yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh theo mùa.
Ngành Giáo dục cũng thường xuyên phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ nhân viên dinh dưỡng, cô nuôi trong các nhà trường... Hiện nay, 100% các bếp ăn tập thể trong trường học trên địa bàn tỉnh đều có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, ATTP. Công tác đảm bảo ATTP trong các trường học bán trú ngày càng được quan tâm, đảm bảo về chất lượng, hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm xảy ra.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh