Trong quá trình hoạt động, hàng ngày, hàng giờ, những người làm báo đi tìm hiểu, tiếp xúc với con người, nắm bắt và chứng kiến sự kiện, tìm hiểu sự thật để thông tin, tuyên truyền trên các loại hình báo chí phục vụ công chúng. Nếu người làm báo thiếu rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp, thông tin, tuyên truyền không trung thực, thiếu khách quan và công tâm về sự kiện, sự việc làm cho công chúng hiểu không đúng hoặc có cách nhìn sai lệch về sự kiện, sự việc nào đó sẽ gây nguy hiểm cho xã hội. Thậm chí, người làm báo mà có cái tâm không trong sáng, vụ lợi, dẫn đến bóp méo thông tin, hoặc thêm, bớt bịa đặt làm sai lệch, xuyên tạc, che dấu sự thật sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Do vậy, thông tin sự thật về sự việc, sự kiện một cách trung thực, khách quan, công tâm là một trong những thuộc tính về đạo đức nghề nghiệp, đòi hỏi tất cả những người làm báo phải đặc biệt giữ gìn.
Sức mạnh của báo chí là thông tin sự thật và trong thực tế cuộc sống có không ít người sợ sự thật nên sợ những người làm báo. ở những nước phương tây, báo chí được coi là "quyền lực thứ tư", sau các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bởi vì, báo chí thông tin công khai những điều mà các tổ chức, cá nhân muốn giấu giếm, còn công chúng thì lại muốn biết. ở nước ta, nền báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng với nhiệm vụ là thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phục vụ cách mạng và nhân dân.
Thế nhưng, trong thực tế cũng đã có không ít kẻ "sợ báo chí". Đó là những tổ chức hoặc cá nhân làm sai, làm trái các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước nên rất sợ bị báo chí phanh phui. Khi nắm được thông tin mà có kẻ muốn dấu đó, người làm báo có quyền lựa chọn đưa hay không đưa các sự việc làm sai, làm trái đó ra công luận. Và khi đó thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp hay thiếu đạo đức, ranh giới sẽ rất khó đoán định một cách rạch ròi, phân minh. Nếu là những người làm báo chân chính, có bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, bằng tài năng và kinh nghiệm của mình, họ sẽ đưa những tổ chức, cá nhân làm sai, làm trái đó ra ánh sáng. Ngược lại, những người làm báo không giữ được bản lĩnh và hạn chế về đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng mặc cả, trao đổi để bỏ qua, dung túng cho cái xấu, cái ác tồn tại.
Hiện nay, đạo đức của mỗi người làm báo nói riêng và đội ngũ những người làm báo nói chung đang từng giờ, từng phút phải đối mặt gay gắt với sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội và cả những yếu tố mặt trái của cơ chế thị trường. Vấn đề kinh tế báo chí của cơ quan, lợi ích, thu nhập của cá nhân, về số lượng phát hành, số người truy cập, người nghe, người xem, thu hút quảng cáo…luôn đặt ra cho những người làm báo phải suy nghĩ và tính toán để từng thông tin trên báo chí sẽ chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách hay phải làm báo chân chính đúng theo tôn chỉ mục đích.
Do đó, việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của người làm báo có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tạo ra những biến động mạnh mẽ đến lĩnh vực thông tin, tuyên truyền và nhu cầu thông tin của con người như hiện nay.
Ninh Bình là tỉnh không lớn, nhưng cũng có khoảng gần 200 những người làm báo cả của địa phương và các cơ quan báo chí Trung ương thường trú. Tuyệt đại bộ phận anh, chị em làm báo ở Ninh Bình đều có phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành và thực hiện nghiêm 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền trung thực, khách quan, công tâm, đảm bảo đúng định hướng chính trị tất cả các sự kiện, sự việc của tỉnh và các địa phương trên địa bàn, trong đó có cả thông tin tích cực và thông tin tiêu cực… được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và đặc biệt là công chúng báo chí của tỉnh Ninh Bình đánh giá cao.
Tuy vậy, vẫn còn có những người làm báo chưa trung thực với sự việc, sự kiện; với bản thân mình và với đồng nghiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, vị thế của cơ quan báo chí. Chứng kiến, gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu thông tin để sáng tạo tác phẩm báo chí đó là một trong các hoạt động của người làm báo. Thế nhưng vẫn còn có những người làm báo ngại đi cơ sở, ngồi nhà mà vẫn sáng tác gặp bà X, ông Y, bác A, chị C…. trao đổi, chia sẻ như là đang ở hiện trường. Có người còn dùng lại bài của đồng nghiệp, rồi nhào nặn, xào xáo, sửa lại câu chữ, cắt ghép mấy đoạn, thay tít, đổi tên… thành bài của mình. Thật là buồn khi trong đội ngũ những người làm báo còn có người như thế. Họ được vinh danh với tiếng gọi cao quý là nhà báo, phóng viên mà không hiểu được bổn phận và nguyên tắc hành nghề, lại còn thiếu cả lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.
Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2021) là dịp để mỗi người làm báo nghĩ về nghề báo và tự hào được mang danh hiệu là Nhà báo Việt Nam, từ đó đoàn kết, cùng nhau giữ gìn đạo đức nghề nghiệp để phấn đấu vì sự phát triển của báo chí Ninh Bình nói riêng và báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.
Nguyễn Đông