Câu chuyện giữa chúng tôi đã kéo bà Tuyết trở về ký ức của một thời oanh liệt. Năm 1963, bà lấy chồng, là người cùng làng. Cưới được ít tháng ông nhập ngũ và lên đường vào Nam chiến đấu. Năm 1964, bà sinh được một người con trai. Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn gay go ác liệt cũng là lúc bà Tuyết bặt tin chồng. Lo lắng, bồn chồn nhưng bà tự an ủi: Chiến tranh bom đạn nên chuyện thất lạc thông tin cũng là dễ hiểu. ở nơi quê nhà, bà chỉ còn biết hăng hái thi đua lao động sản xuất, nuôi dạy con khôn lớn, sống trọn tình vẹn nghĩa với 2 bên gia đình và làng xóm, chờ ngày đất nước thống nhất để được đón chồng trở về. Thế nhưng, niềm mong mỏi ấy đã không thành hiện thực. Vào một ngày đầu năm 1974, bà Tuyết rụng rời chân tay nhận Giấy báo tử, ghi rõ chồng bà- ông Bùi Xuân Thược, cấp bậc Thượng sỹ, Tiểu đội trưởng, đơn vị KBM, hy sinh ngày 31/1/1968 tại Mặt trận phía Nam…
Gần 50 năm sau ngày chồng hy sinh, 43 năm sau ngày nhận được tin dữ, theo năm tháng, nỗi đau dần nguôi ngoai nhưng trong lòng bà Tuyết và những người thân vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm: Làm thế nào tìm được nơi an nghỉ của chồng, cha, ông mình? Đã nhiều lần, mẹ con, anh em trong gia đình đã lần theo địa chỉ đồng đội của chồng, hỏi thăm những người cùng nhập ngũ một đợt hy vọng có chút thông tin, manh mối, bởi theo Giấy báo tử ghi hy sinh tại mặt trận phía Nam thì quá mông lung… Thế nhưng càng tìm thì càng vô vọng. Giờ đây, bà Tuyết đã gần 80 tuổi, người con trai duy nhất của bà cũng đã mất cách đây khoảng chục năm do bệnh trọng. Bà sống những năm tháng tuổi già cùng người con dâu và các cháu, cuộc sống khá ổn định. Nhớ thương chồng bà chỉ còn biết nhắc nhở con cháu giỗ tết cho ông chu đáo.
Thế rồi, vào một ngày đầu tháng sáu vừa qua, khi vụ gặt sắp kết thúc, bà và gia đình bỗng nhận được tin báo từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rằng đã xác định được nơi an táng chồng bà-liệt sỹ Bùi Xuân Thược ở khu vực đường vành đai, sân bay Biên Hòa. Bà Tuyết đã mừng rơi nước mắt sau mấy chục năm đằng đẵng mong ngóng. Niềm vui cứ thế nhân lên, gia đình, anh em, bà con lối xóm kéo đến hỏi thăm, chúc mừng. Vui hơn, khi UBND tỉnh Đồng Nai và các ngành chức năng có giấy mời gia đình bà vào dự lễ truy điệu các liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, trong đó có chồng bà. Do tuổi cao sức yếu bà Tuyết không vào được nên đã ủy quyền cho con, cháu đi. Chị Đinh Thị Sen, con dâu bà Tuyết kể lại: Sau khi nhận được giấy mời vào dự lễ truy điệu cha tôi, gia đình cử 5 người đi, mọi chi phí đều được Nhà nước đài thọ. Vào tới nơi, được tận mắt chứng kiến nơi an nghỉ cuối cùng của cha và đồng đội, ai trong chúng tôi cũng mừng, tủi tủi. Cha tôi nằm đó cùng với 73 đồng đội của mình, trong đó có 3 người là con em Ninh Bình. Lễ truy điệu đã diễn ra trong không khí rất trang nghiêm, xúc động và ấm áp. Hôm đó là ngày 12/7. Giờ thì ước nguyện của gia đình đã thành hiện thực, đúng là không hạnh phúc nào bằng…
Cẩn thận gấp những giấy tờ quan trọng cất vào tủ, bà Tuyết nói với chúng tôi: Trường hợp của ông nhà tôi là quá may mắn, tôi biết, còn biết bao gia đình trên đất nước này vẫn còn đau đáu một nỗi niềm vì chưa tìm được hài cốt, phần mộ của chồng con, cha anh mình. Mong sao với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân sẽ có thêm những phép màu để tâm nguyện của mỗi gia đình trở thành hiện thực.
Bài, ảnh: Hà Trang