Chúng tôi về thăm Làng nghề đan cót Vân Thị vào những ngày đầu tháng 11. Cái lạnh đầu đông se sắt, vừa tranh thủ phơi phóng rơm thóc mới thu hoạch vừa rồi, bà con làng Vân Thị vẫn tranh thủ thoăn thoắt tay đan để có hàng kịp giao cho thương lái như đã hẹn. Thành thử, là mùa đông đấy nhưng chẳng lúc nào người dân Vân Thị để cho mình ráo giọt mồ hôi. Vậy nhưng chẳng ai cảm thấy đó là nỗi vất vả mà ngược lại, ai cũng cảm nhận được một thứ cảm giác thân quen, thanh bình và nhịp nhàng với công việc đã gắn bó với dân làng từ hàng trăm năm nay.
Đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, song bà Chu Thị Động vẫn là tay đan chính của gia đình. Cụ Động cho biết, trước đây, bà con trong thôn chỉ đan cót vào lúc nông nhàn. Nhưng bây giờ thì chẳng kể sớm, tối hay mùa màng, cứ rảnh lúc nào là ngồi vào đan lúc đó. Có lẽ, chưa hẳn vì nặng miếng cơm, manh áo mà đó còn bởi tình yêu, nỗi nhớ đối với nghề. Bởi vậy, nếu về thăm Vân Thị vào bất kể ngày nào trong năm,thì du khách đều bắt gặp cái không khí hăng say, tất bật ấy. Nhà ai cũng vậy, đều ngập tràn những nan, những cót. Người già đến con trẻ, ai cũng đảm đương một phần việc phù hợp, người thì chẻ nan, ngâm nan, vót nan, đan cót, phơi cót… Những hình ảnh thân thương ấy trở thành một ký ức không thể nào phai đối với những người con Vân Thị dù rằng có đi bốn phương trời.
Vừa thoăn thoắt tay đan, cụ Động kể rằng, cái nghề đan cót đến với người dân Vân Thị như một cơ duyên. Hàng trăm năm trước,đời sống của bà con thôn Vân Thị nói riêng, của xã Gia Tân nói chung phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nông, song ruộng đất thì ít nên cuộc sống của nhân dân rất khó khăn. Thế rồi có một cụ sang tận huyện ý Yên (Nam Định) học nghề đan cót và đã mang nghề về cho bà con trong thôn. "Từ khi còn nhỏ xíu tôi đã nghe các cụ cao niên trong làng kể lại rồi. Chưa hiểu gì nhiều về tổ nghề tổ nghiệp, song lũ trẻ chúng tôi thời ấy đều nghe chuyện một cách rất thích thú và đòi học bằng được cái nghề đan cót ấy"- cụ Động xúc động. Vậy là mới chỉ 7, 8 tuổi, bà Động đã được cha mẹ dạy cho nghề đan cót. Đan cót thì nguyên liệu chính là nứa. Nứa rất sắc nên ngày mới tập làm nghề, người đan sơ ý bị đứt tay là chuyện bình thường. Lạ là con trẻ khi mới học đan, nhiều đứa bị nứa làm đứt tay nhưng chẳng đứa nào kêu khóc hay sợ hãi gì cả. Đến nay, cụ Động gắn bó với nghề đan cót cũng đã vài chục năm. Vết sẹo ở tay bà cũng nhiều, nhưng với bà mỗi lần sờ nắn lại vét sẹo ấy lại gợi cho bà bao kỷ niệm về một thời làm nghề. Cụ Động kể rằng ngày xưa cả làng Vân Thị đều làm nghề đan cót. Đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ đều tất bật tham gia làm nghề để lo cho gia đình một cuộc sống khá hơn. Đỉnh cao là từ những thập niên 40 đến 80 của thế kỷ trước, cả làng có trên 600 hộ làm nghề đan cót. Trước kia, nguyên liệu chưa được mang đến tận nơi như bây giờ, mà các hộ làm nghề phải đi mua thì các phiên chợ sớm. Từ 2-3 giờ sáng, cả làng đã í ới gọi nhau đi chợ để mua nứa. Để có những sản phẩm đẹp thì khâu chọn nứa rất quan trọng. Nứa phải vừa già tới và óng ả, chứ non quá hoặc già quá đều không được. Nứa mua về được đem pha rồi ngâm ít nhất là từ 10-15 ngàyrồi mới vớt phơi khổ để sử dụng. Như vậy, sản phẩm mới không bị mốc mà đẹp, bền. Không như những nghề khác, nhà nào làm nhà người ấy mà nét độc đáo ở Làng cót Vân Thị đó là tính gắn kết cộng đồng rất cao. Nhiều nhà trong một xóm thường tập trung nhau lại để cùng đan, nhà có nhiều lao động có thể giúp nhà ít lao động vài công đoạn mà chẳng so đo tính toán thiệt hơn. Vừa làm nghề, người ta vừa rủ rỉ tâm tình với nhau mọi điều trong cuộc sống, an ủi lúc buồn và sẻ chia những niềm vui. Tình cảm xóm giềng cũng vì thế mà thêm gắn bó.
Việc bán cót thường dành cho các bà, các chị. Thường thì vài người rủ nhau chung một chuyến xe cải tiến chở hàng đi chợ sớm. Rồi những năm sau, tân tiến hơn là dùng xe thồ để chở những tấm cót óng ả đến chợ, những sản phẩm ấy đã làm nên một nét duyên khó quên ở bất kỳ một phiên chợ quê nào. Thời ấy, cót được sử dụng vào nhiều việc lắm. Nào là phục vụ cho xây dựng làm trần nhà, làm mái che hiên rất mát mẻ, làm vách ngăn những căn buồng hoặc khoanh lại làm bồ đừng thóc, làm kho muối vì cót giúp hút ấm rất tốt… Vậy nên, sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng không lo bị ế. Vì vậy, nếu không được giá, người dân cũng chẳng phải "bán thốc, bán tháo", mà mang về gác bếp, mòng hóng sẽ làm cho sản phẩm bóng, đẹp hơn và sẽ được giá hơn ở những phiên chợ sau. Ngày nay, những người làm nghề đan cót ở Vân Thị nhàn nhã hơn nhiều, bởi không phải lo đi mua nguyên liệu, cũng chẳng phải đau đáu nỗi lo ế hàng ở mỗi phiên chợ. Bây giờ, những tiểu thương đứng ra cung cấp nguyên liệu rồi lại thu mua sản phẩm ở các gia đình mang đi tiêu thụ. Sức tiêu thụ của các sản phẩm này cũng ổn định quanh năm. Hàng đẹp thì giá cao, hàng trung bình giá thấp hơn. "Tuy là các công đoạn làm cót đã đỡ vất vả hơn xưa, song thu nhập từ nghề làm cót thì thời nào cũng vậy. Làm chăm chỉ thì một ngày cũng được chừng 3,4 tấm cót. Trừ chi phí đi rồi mỗi lao động cũng lãi được vài chục nghìn đồng. Chẳng ai nghĩ làm giàu từ cái nghề ấy cả, song mức thu nhập ấy đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho bà con ở Vân Thị."- cụ Chu Thị Động nói.
Những năm gần đây, nhiều công ty ở Khu Công nghiệp Gián Khẩu ra đời đã thu hút nhiều lao động trẻ ở làng Vân Thị vào làm. Cũng vì lẽ đó, mà số hộ dân làm nghề đan cót đã giảm còn khoảng 300 hộ. Và đa số những người làm nghề là người già và trẻ em. Tuy vậy, mỗi người làm nghề đều có ý thức gìn giữ cái nghề đã nuôi sống bao thế hệ người dân Vân Thị. Đặc biệt, từ năm 2006, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Làng nghề đan cót Vân Thị. Bà con trong thôn lại càng cẩn thận, chỉn chu hơn trong quá trình làm nghề để gìn giữ uy tín cho sản phẩm làng nghề. Đối mặt với nhiều khó khăn, song tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết và mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của cha ông đã "giữ lửa" cho Làng nghề đan cót Vân Thị. Cái nghề được coi là phụ nhưng đã giúp nhân dân địa phương thoát cảnh thiếu đói, ăn đông trong những ngày giáp hạt. Dù rằng, có lúc cũng bộn bề khó khăn, lo toan bởi chuyện nghề, cái nghiệp, hướng đi cho sản phẩm.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng