Trong tiết trời se lạnh của mùa xuân càng tiếp thêm cảm xúc, bầu nhiệt huyết cho những nghệ sĩ không chuyên của các câu lạc bộ văn nghệ Mường đến từ 7 xã có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống: Xích Thổ, Thạch Bình, Văn Phương, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và Quảng Lạc. Với chủ đề của đêm giao lưu văn nghệ "Vang vọng đất Mường" diễn ra vào trung tuần tháng 2-2017 tại xã Cúc Phương thu hút gần 100 thành viên tham gia. Mộc mạc và giản dị, những nét văn hóa của người Mường đã được lưu truyền qua bao thế hệ, nó chứa đựng một sức sống mạnh mẽ, lâu bền, độc đáo và khác biệt. Các đội đã mang tới những tiết mục thế mạnh của đơn vị mình về các thể loại: hát đúm, hát ru, hát giao duyên, hát bọ mẹng, hát đối, hát ví đối và nhảy sạp... đã cuốn theo sự quan tâm theo dõi, sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả là con em dân tộc Mường cũng như người Kinh khi đến với đêm giao lưu.Những hoạt cảnh của các tiết mục biểu diễn cũng khá phong phú và đa dạng, như "Chăm đồng thâm canh", "Em về làm dâu núi rừng", "Hát bọ mẹng", "Mời trầu", khi thì mùa xuân đến những đôi trai gái hẹn hò hát "giao duyên", khi thì, trai Mường gái bản gặp nhau trong hội làng và khi là hình ảnh người bà, người mẹ bên chiếc nôi đưa "Ru con bên bản Mường". Qua đó, những ca khúc ngợi ca về Đảng, Bác Hồ, về quê hương đổi mới và nhất là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý làm người… đã thực sự tạo không khí vui tươi, gần gũi và ấm áp đối với bà con. Đây cũng là cơ hội cho các đội văn nghệ giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau về những tinh hoa, sắc màu của văn hóa dân tộc. Độc đáo hơn cả là nhiều giọng ca đã ở tuổi xưa nay hiếm vẫn nhiệt tình với phong trào, thể hiện những bài ca lời cổ ý nghĩa. Đó như một lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ cần tiếp tục gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa dân tộc Mường, để những lời ca, tiếng hát được vang vọng mãi. Cả người xem, người biểu diễn đều vui mừng, phấn khởi khi được hòa mình vào không khí của đêm hội hát tiếng dân tộc Mường. Nghệ sĩ quần chúng Trần Thị Thanh Trang, đội văn nghệ xã Phú Long chia sẻ: Từ hôm nhận được kế hoạch biểu diễn trong buổi giao lưu của huyện vào trung tuần tháng 2, tôi và các thành viên trong đội văn nghệ của xã tích cực luyện tập, mong muốn có thể truyền tải lời ca, tiếng hát của mình. Được tham gia đêm giao lưu tôi rất vui mừng, vinh dự, tinh thần luyện tập cao, luôn mong muốn giới thiệu nét văn hóa Mường đến mọi người, nhất là nhiều điệu hát cổ khó nhưng đáng quý, chỉ bảo sống tốt đẹp hơn cho giới trẻ. Theo lãnh đạo huyện Nho Quan, trên địa bàn hiện có 152 nghìn người thì có tới 17,1% đồng bào Mường sinh sống, tập trung ở 8 xã: Xích Thổ, Thạch Bình, Văn Phương, Yên Quang, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và Quảng Lạc. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, Kết luận Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, những năm qua công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn huyện luôn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Thông qua việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực thông qua việc thực hiện chính sách cử tuyển dành cho con em là người dân tộc thiểu số được học tập tại các trường đại học, cao đẳng để tạo nguồn nhân lực cho địa phương, công tác bảo tồn các nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mường đang từng bước được các địa phương triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, do sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường và văn hóa hội nhập, cùng với quá trình giao lưu giữa các vùng, miền đã phần nào làm cho một số giá trị truyền thống của văn hóa Mường bị mai một. Do vậy, huyện Nho Quan đã tích cực triển khai các biện pháp để bảo tồn nét văn hóa độc đáo này. Huyện đã triển khai huy động xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo và xây dựng các nhà sàn truyền thống. Trước mắt là nhà văn hóa trung tâm của các xã, sau đó triển khai đến các thôn, bản. Tạo điều kiện tốt nhất cho bà con có nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc. Đến nay, tại 27 xã, thị trấn đều thành lập các tổ, đội văn nghệ quần chúng, nhất là tại các xã có đông đồng bào Mường thì còn có thêm các đội văn nghệ dân tộc, câu lạc bộ hát dân ca, câu lạc bộ cồng chiêng… Cùng với đó, các địa phương thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu tạo tinh thần vui tươi, phấn khởi cho bà con.
Việc lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường đã tạo dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào dân tộc Mường, xây dựng nét văn hóa đặc trưng của huyện, tạo đà cho du lịch, kinh tế - xã hội của huyện Nho Quan ngày càng phát triển.
Hồng Vân