Giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, hàng hóa, cơ khí hóa nông nghiệp, nông thôn và đưa máy móc vào đồng ruộng. Nhờ phong trào "Bê tông hóa" đường giao thông nông thôn của những năm trước đây, nên hầu hết các đường chính của các làng quê trên địa bàn tỉnh đã được bê tông hóa (95% đường giao thông huyện, xã được cứng hóa), ngõ, xóm được cứng hóa, tạo diện mạo mới cho các làng quê.
Tuy nhiên có thể nhận thấy đường thôn, ngõ xóm hiện tại còn chật hẹp, không đạt quy chuẩn quy định. Nguyên nhân là do nông thôn Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng đã được hình thành từ ngàn đời nay theo kiểu tự phát. Tình trạng đô thị hóa trong các làng quê đang diễn ra nhanh, dẫn đến việc lấn chiếm đất công, thu hẹp đường thôn, ngõ xóm. Sự phát triển kinh tế cùng với các phương tiện vận chuyển, máy móc đưa vào nông nghiệp, nông thôn ngày càng nhiều đã làm cho các con đường thôn, xóm vốn đã chật hẹp, lại bị xuống cấp nhanh, mặt đường bị cày xới, nhiều đoạn trở thành "ổ trâu", "ổ voi", nhất là đường nội đồng. Báo cáo của Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh cho biết: Hiện tại có tới 95/120 xã của tỉnh không đạt tiêu chí về giao thông, đồng nghĩa với việc để có được tiêu chí này các xã đó phải có sự đầu tư và nguồn vốn cần thiết.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xác định, đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng không phải là "phá cũ, xây mới", nhất là đường giao thông, chủ yếu là chỉnh trang, cải tạo, mở rộng thêm theo quy chuẩn. Đây là vấn đề không đơn giản và sẽ đụng chạm đến lợi ích của mỗi hộ dân nông thôn.
Việc này cần phải phát huy tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch quy hoạch, đề án, dự án; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và bố trí cho dân được biết, được bàn, được làm, trên cơ sở đó mà khơi dậy tính chủ động, ý thức cộng đồng, tự nguyện, tự giác tham gia đóng góp tiền của, đất đai, ngày công lao động để mở mang, chỉnh trang đường thôn, ngõ xóm của mình.
Về thủy lợi, mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp, thực hiện phong trào "kiên cố hóa" trong nhiều năm qua, với 92% kênh tưới chính đã được kiên cố hóa, nhưng so với yêu cầu của sản xuất và thực tiễn của từng địa phương thì vẫn chưa đạt và còn nhiều khiếm khuyết. Khảo sát thực trạng nông nghiệp, nông thôn cho thấy còn tới 98/120 xã chưa đạt tiêu chí về thủy lợi.
Để đảm bảo chủ động, kịp thời cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp thì hệ thống kênh mương giữ vai trò quan trọng. ở vấn đề này quy hoạch phải đi trước một bước và việc quy hoạch mạng lưới thủy lợi (kênh, mương) gắn chặt với các quy hoạch khác (quy hoạch giao thông, vùng sản xuất, khu dân cư…).
Đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi cần phải có vốn lớn, trong khi nguồn lại có hạn, vì vậy cần huy động mọi nguồn lực, theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Trong đó, vốn của các doanh nghiệp có ý nghĩa lớn. Do đó, cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, bên cạnh đó cần tuyên truyền, vận động con em quê hương thành đạt đầu tư xây dựng quê hương. Đối với nguồn vốn từ người dân, cần tăng cường công tác tuyên truyền, thuyết phục làm cho họ hiểu rõ xây dựng NTM là làm cho mình, quê hương mình để họ tự nguyện, tự giác tham gia đóng góp thực hiện.
Đinh Chúc