Từ câu chuyện của những người lính
Các vị khách mời buổi tọa đàm là những nhân chứng lịch sử: bác Trần Tiên Sinh, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh; bác Đàm Ngọc Bính, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Ninh Bình và bác Trần Xuân Sinh - Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đối với các nhân chứng lịch sử, chiến tranh đã lùi vào quá khứ 43 năm, song trong ký ức bi tráng của một thời hoa lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí họ, để hôm nay câu chuyện mà họ kể đã thực sự thu hút giới trẻ. Anh hùng LLVTND Trần Xuân Sinh nhớ lại: Năm 1965, tôi đang học lớp 7, theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi đã trốn nhà để gia nhập đội thanh niên xung phong.
Đến năm 1966, tôi nhập ngũ ở Tiểu đoàn 20- pháo cao xạ, Bộ tư lệnh 559 và tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Cuộc đời binh nghiệp, tôi đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu khoảng 500 trận lớn, nhỏ và đã có không ít lần bị thương, "vào sinh ra tử". Kỷ niệm tôi nhớ mãi, đó là sau khi cùng anh em đồng đội trong đơn vị lập công xuất sắc, tôi vinh dự là được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Bác Hồ của chúng ta giản dị lắm! Gặp Người, tôi không nghĩ một vị lãnh tụ tối cao như Bác lại giản dị và ân cần đến thế. Khi được ngồi ăn cơm cùng, Bác đã thân mật hỏi thăm, trò chuyện, động viên các chiến sĩ. Vì vậy ai cũng xúc động và cảm thấy Người thật gần gũi, thân thương. Được gặp Bác, ai cũng vui mừng, phấn khởi và tự nhủ mình phải ra sức phấn đấu để thực hiện bằng được những lời căn dặn của Người. Sau lần đó, tôi và các đồng đội tự hứa phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm tin tưởng của Người dành cho các chiến sĩ...
Với những thành tích đặc biệt trong chiến đấu, ngày 22/12/1969, chiến sĩ Trần Xuân Sinh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND. Cựu chiến binh Trần Xuân Sinh chia sẻ: Tham gia cách mạng, được phong tặng Anh hùng LLVTND, trở về sau chiến tranh là sĩ quan cao cấp của một đất nước anh hùng, tôi thấy mình thật vinh dự và may mắn hơn rất nhiều so với những đồng đội đã ngã xuống, hy sinh.
Còn đối với bác Đàm Ngọc Bính, người từng tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận, đặc biệt là tại mặt trận chiến trường Quảng Trị những năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam thì ngày 30/4/1975 mãi là ngày in đậm trong tâm khảm của bác. Bác Bính nói: Là lính bộ đội Cụ Hồ, ai cũng phải tự rèn luyện cho mình đức tính khiêm tốn học hỏi, chịu thương chịu khó, không bao giờ thỏa mãn với thành tích đã đạt được, có ý thức chấp hành triệt để mệnh lệnh cấp trên. Khi gặp khó khăn, thiếu thốn phải bình tĩnh, tự tin tìm cách giải quyết. Càng khó khăn, gian khổ, ác liệt, thì ý chí chiến đấu càng vững vàng, kiên định… Tất cả điều đó đã "ngấm" vào máu để tinh thần, bản lĩnh, ý chí người lính cụ Hồ vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường công tác cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Có trải qua những năm tháng chiến tranh mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc…
Đến suy nghĩ của những người trẻ
Sinh ra và lớn lên trong thời bình, không phải chứng kiến các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc, nhưng những câu chuyện đầy xúc động về những con người làm nên chiến thắng qua buổi giao lưu, đã giúp các đoàn viên thanh niên cảm nhận sâu sắc về lịch sử dân tộc, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Em Nguyễn Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 12 chuyên Sử Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cho biết: Thế hệ chúng em may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh. Nhưng nỗi đau và hậu quả của chiến tranh tàn khốc vẫn còn hằn lên rõ nét trên mỗi vùng quê, qua từng khuôn mặt khắc khổ của những người mẹ, người vợ, người chị. Và hôm nay, khi nghe các bác CCB- những nhân chứng lịch sử, em hiểu được rằng, tuổi trẻ của họ là sự cống hiến, hy sinh để phục vụ Tổ quốc, đánh đuổi giặc ngoại xâm. ở đó, các chiến sĩ không có mục tiêu nào khác là góp sức mình cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng em đã nhận được quá nhiều từ các thế hệ cha anh đi trước, họ đã hy sinh tất cả cho non sông, đất nước… Em và các bạn đã có cái nhìn khác hơn về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, tự hứa với lòng mình phải sống sao cho thật xứng đáng với bao thế hệ cha ông, nguyện đem sức trẻ dựng xây quê hương, đất nước.
Những câu chuyện về các trận chiến đấu gian khổ, ác liệt và chiến thắng vang dội mà các CCB đã tham gia đã thực sự để lại trong tâm khảm những người tham dự buổi tọa đàm về sự cảm phục trước tinh thần bền gan, vững chí của những người lính cụ Hồ. Những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã thực sự truyền cảm hứng cho các em học sinh.
Em Tạ Thị Thanh Hải, học sinh lớp 10 chuyên Sử cảm động nói: Thông qua câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử về Bác Hồ, em hiểu hơn về tư tưởng, phong cách và tấm gương đạo đức của Người. Chúng em hiểu rằng, ngày nay đất nước hòa bình, cả nước tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là "Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Tuy nhiên, các thế lực thù địch đang từng ngày, từng giờ chống phá cách mạng bằng nhiều hình thức, kích động lôi kéo người dân vào các hoạt động chống phá của chúng, trong đó có thanh niên. Vì vậy, những người trẻ cần ra sức học tập, học tập thật giỏi để có hiểu biết sâu về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc và để nhận biết và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời cần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xứng đáng là thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.
Anh Trần Văn Bách, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho rằng, việc thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu với các nhân chứng lịch sử là một trong những hoạt động thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy trong họ niềm tự hào, tự tôn dân tộc, để những chiến công của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến luôn là những bản anh hùng ca bất hủ, mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và nhân dân thế giới.
Đinh Ngọc