Ngày 4/8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban phiên thường kỳ tháng 8 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, xây dựng nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 8 và cho ý kiến vào Dự thảo Chỉ thị của UBND tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Giao ban UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 8
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Mở đầu hội nghị, đồng chí Giám đốc Sở Y tế đã thông báo nhanh tình hình dịch bệnh COVID -19 trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Ninh Bình cơ bản vẫn kiểm soát được dịch bệnh, chưa phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu là các ca về từ thành phố Hồ Chí Minh đã được cách ly, điều trị tập trung. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trên 28.500 người, trong đó có 667 người đã tiêm mũi 2.
Tuy nhiên, dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp, ngoài các tỉnh phía Nam, tại Hà Nội những ngày qua đã phát hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng. Trong khi đó, việc kiểm soát người từ ngoại tỉnh về gặp nhiều khó khăn, có thể có trường hợp bỏ sót, không chủ động khai báo, huyện Kim Sơn các khu cách ly tập trung đang bị quá tải… nên nguy cơ dịch xuất hiện ở cộng động là rất cao. Do vậy, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường tầm soát, xét nghiệm với các đối tượng nguy cơ cao, tại các chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư và đẩy nhanh công tác tiêm chủng.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, dịch COVID -19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kinh tế có dấu hiệu chững lại. Các chỉ số phát triển công nghiệp, doanh thu trong các khu công nghiệp đều giảm. Một số ngành có chỉ số tồn kho tháng 7 cao. Về giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 đạt trên 8 nghìn tỷ đồng (giảm 4,7% so với tháng trước và giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2020); lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 53.765,2 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng đạt gần 2,8 nghìn tỷ đồng (tăng 1,5% so với tháng trước). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đầu năm tăng nhẹ 0,91% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 7 tháng đầu năm đạt 12.073,78 tỷ đồng (đạt 64,8% dự toán).
Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm chỉ đạo, trong tháng đã đăng ký thành lập mới 79 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký đạt trên 650 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp giữ ổn định, vụ mùa toàn tỉnh gieo cấy được trên 31 nghìn ha; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Công tác giảm nghèo bảo trợ xã hội được quan tâm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay, làm rõ những mặt còn hạn chế, bất cập như: việc kiểm soát xe lưu thông trên địa bàn, việc giám sát các trường hợp cách ly tại cộng đồng, việc di chuyển của các công nhân ngoại tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp… Đồng thời đề ra các phương án, giải pháp trong thời gian tới để sẵn sàng ứng phó với các cấp độ lây lan khác nhau của dịch bệnh.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề cập đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế; việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động; vấn đề giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm; vấn đề thu hút đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất…
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đánh giá: những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 7 chúng ta đã hoàn thành tương đối tốt, kinh tế - xã hội được đảm bảo, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất kinh doanh ổn định; các công trình dự án trọng điểm Quốc gia trên địa bàn tỉnh đang được triển khai đúng tiến độ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.
Đặc biệt, Ninh Bình vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Có được điều này là nhờ sự đồng lòng nhất trí, quyết tâm cao của các ngành, các cấp, các địa phương và tất cả người dân Ninh Bình; sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, chủ động, kịp thời, đáp ứng đúng nhu cầu của thực tiễn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới trước hết vẫn là tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các cấp, nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về công tác phòng,chống dịch trên địa bàn, lĩnh vực, ngành mình phụ trách theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các văn bản hướng dẫn.
Cần tiếp tục vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia phòng, chống dịch COVID-19, phải quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Về các đề xuất, kiến nghị liên quan đến phòng chống COVID-19, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực cho công tác này.
Hiện nay, các khu cách ly tập trung ở huyện Kim Sơn đã quá tải do vậy từ 5/8 sẽ giao cho 2 huyện Yên Khánh và Yên Mô hỗ trợ cách ly cho người dân ở Kim Sơn từ các tỉnh có dịch về.
Về tiêm vắc xin, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và các đối tượng được tiêm phải công khai, minh bạch, có các tiêu chí theo hướng dẫn của Trung ương, trên tinh thần động viên những người trực tiếp phòng chống dịch và những cơ quan, đơn vị trực tiếp sản xuất.
Đối với ngành Lao động, Thương binh & Xã hội khẩn trương rà soát các đối tượng để thực hiện tốt Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 trên tinh thần chủ động, kịp thời, được đến đâu thì thẩm định, thanh toán, hỗ trợ đến đấy. Tuyệt đối không để cho một người dân nào trên địa bàn khó khăn, thiếu ăn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa nhấn mạnh, chỉ khi tỉnh ta phòng, chống dịch bệnh tốt thì mới có thể tính đến chuyện phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí lưu ý, Sở Kế hoạch & Đầu tư rà soát các số liệu phân tích của ngành thống kê để đưa ra kịch bản cụ thể cho từng lĩnh vực, từ đó các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp.
Ngoài ra, vấn đề thu hút đầu tư các dự án vào địa bàn tỉnh, hiện nay, quỹ đất của Ninh Bình không còn nhiều phải làm rất chặt chẽ, cẩn trọng, đảm bảo chất lượng.
Riêng về Chỉ thị của UBND tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, đây là một nội dung quan trọng, do vậy, đề nghị các sở, ngành, địa phương trên cơ sở dự thảo, chủ động nghiên cứu, đóng góp, cho ý kiến.