Kỳ II: TRÁCH NHIỆM KHÔNG CHỈ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN
"An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà" là câu khẩu hiệu, lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông, hãy chấp hành nghiêm luật giao thông để đảm bảo an toàn cho chính mình, cho gia đình và xã hội. Hiện nay, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và ở khu vực nông thôn nói riêng đang trở thành một vấn nạn nhức nhối. Trước thực tế đáng lo ngại ấy cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao hơn nữa ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
Tuyên truyền là giải pháp hàng đầu
Nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT khu vực nông thôn, đồng thời nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân khu vực nông thôn; giảm thiểu tai nạn, góp phần xây dựng nông thôn mới, Ban ATGT tỉnh đã có Kế hoạch số 24/KH-BATGT về "Tăng cường giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn nông thôn".
Theo đó, giải pháp được đặt lên hàng đầu là "đẩy mạnh công tác tuyên truyền" nhằm vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT và các biện pháp phòng, tránh TNGT.
Ông Nguyễn Duy Phong, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Tuyên truyền pháp luật giao thông vẫn là giải pháp hàng đầu. Tuy nhiên, không phải tuyên truyền một cách chung chung mà phải tập trung vào những gì mà người dân nông thôn đang cần và đang thiếu như các kỹ năng điều khiển mô tô, xe máy, điều khiển xe khi đi qua đường, rẽ trái, tránh vượt, dừng xe, bảo đảm tốc độ hợp lý trên từng con đường, phương tiện…
Ngoài các phương tiện thông tin đại chúng, cần phát huy vai trò của các hội, câu lạc bộ, đoàn thể ở địa phương để việc tuyên truyền sát thực, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Cùng với công tác tuyên truyền, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng phối hợp với ngành chức năng lắp đặt các biển báo, đèn tín hiệu giao thông ở những điểm quan trọng; vận động nhân dân lắp đèn chiếu sáng, phát quang giải tỏa những vật cản che khuất tầm nhìn.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu để có quy định tốc độ tối đa trên các tuyến đường nông thôn. Thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ các các loại máy nông cụ (máy cày, máy kéo…), tiến hành kiểm tra, xử lý các phương tiện không đủ điều kiện lưu hành...
Cùng với đó, phải xử lý nghiêm những vi phạm để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân; phát huy vai trò các tổ tự quản an toàn giao thông, giải tỏa các chướng ngại, bảo đảm hành lang an toàn các tuyến đường giao thông nông thôn.
Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông ở vực nông thôn, Ban ATGT tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe...
Tăng cường phối hợp
Năm 2017, Ban ATGT quốc gia đã chọn chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên", nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho phụ huynh và các em học sinh. Trong đó thanh, thiếu niên là đối tượng có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao nhất.
Để thực hiện tốt chủ đề ATGT, năm học 2017 - 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh phối hợp thực hiện nhiều giải pháp như: Định kỳ giao ban, trao đổi thông tin giữa cơ quan công an, cơ quan quản lý giáo dục cùng cấp và các trường học về tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự; đẩy mạnh ý thức tự giác của học sinh thông qua việc tăng cường các buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền lồng ghép như chiếu phim, xem bảng ảnh vào các buổi học ngoại khóa, sinh hoạt chào cờ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, an toàn đô thị tại các trường học; đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, an toàn đô thị vào chương trình giảng dạy chính khóa; rà soát, lập danh sách số học sinh, sinh viên sử dụng mô tô, xe máy, xe đạp điện đến trường, yêu cầu ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả ở khu vực nông thôn, các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp. Đại tá Vũ Đức Việt, Phó trưởng Công an huyện Gia Viễn cho biết: Thời gian qua, Công an huyện Gia Viễn đã phối hợp với Đài truyền thanh huyện để tuyên truyền pháp luật về giao thông trên hệ thống loa phát thanh 2 cấp.
Trong đó, huyện đã chú trọng tăng thời lượng tuyên truyền vào những giờ nhân dân có thể tiếp thu như sau giờ làm từ 17-19 giờ. Nội dung tuyên truyền linh hoạt, sát với từng giai đoạn và tính chất vi phạm ở từng thời điểm.
Hiện tại, tất cả các khu đông dân cư đã có hệ thống loa truyền thanh đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhân dân. Qua đó đã có sự chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các lực lượng chuyên trách, các địa phương cần nghiên cứu xây dựng lực lượng tự quản cơ sở trong việc bảo đảm an toàn giao thông nông thôn để cùng tuyên truyền, vận động mọi người chấp hành pháp luật giao thông, tham gia công tác bảo đảm an toàn giao thông, xử lý các sự cố về giao thông và bảo vệ các kết cấu hạ tầng an toàn giao thông trên từng địa bàn.
Đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền cho người dân nông thôn thực hiện quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không chạy xe sau khi uống rượu bia.
Đẩy mạnh thực hiện các phong trào ở cơ sở như: "Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT", "Nông dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT", "Phụ nữ tham gia bảo đảm trật tự ATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình"…
Tuy nhiên, trên các tuyến đường có được bình yên hay không, phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành quy tắc giao thông của mỗi người dân. Chính vì vậy, hãy nêu cao vai trò trách nhiệm, ý thức chấp hành Luật Giao thông trong mỗi cá nhân, tất cả vì sự sống, sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Nguyễn Thơm
Kỳ I: Nhiều bất cập cần xử lý