Kỳ I: NHIỀU BẤT CẬP CẦN XỬ LÝ
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn
Chúng tôi có mặt tại đoạn đường liên xã Phú Sơn, Thạch Bình (huyện Nho Quan) mặc dù đã được cứng hóa nhưng do mặt đường nhỏ hẹp, nhiều khúc cua, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá đông nên các phương tiện tránh nhau gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, không khó để bắt gặp những người điều khiển xe máy không chấp hành Luật Giao thông đường bộ như: đi không đúng phần đường quy định; chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu...
Khi được hỏi "Vì sao không chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông?", nhiều người dân cho rằng: Chỉ đi xe trong đoạn đường ngắn, như sang hàng xóm, ra đồng hoặc đi chợ… nên không muốn đội. Hơn nữa trong ngõ làm gì có công an giao thông đâu mà cần chấp hành nghiêm.
Qua các đợt cao điểm ra quân đảm bảo trật tự ATGT được tổ chức trong năm, Công an huyện Nho Quan đã phát hiện và xử lý 2.384 trường hợp vi phạm về an toàn giao thông, trật tự công cộng, xử phạt với số tiền trên 1,6 tỷ đồng, tạm giữ 1.450 phương tiện. Trong đó tập trung chủ yếu ở các lỗi là điều khiển xe mô tô, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, vi phạm về nồng độ cồn, chở hàng quá khổ, quá tải…
Đánh giá về các nguy cơ gây mất an toàn giao thông khu vực nông thôn, Trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Công an huyện Nho Quan cho biết: Thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND huyện Nho Quan về tăng cường trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn, đến nay về cơ bản các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện khá thông thoáng, góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự.
Tuy nhiên, tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường, hành lang an toàn giao thông để đổ vật liệu xây dựng, làm sân phơi, họp chợ, bày bán hàng hóa vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, việc đặt biển quảng cáo không đúng nơi quy định, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; tình trạng xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải, làm rơi vãi đất đá, vật liệu xây dựng... trên các tuyến đường, sử dụng xe thô sơ, xe tự chế để chở hàng hóa… chính là những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông ở nông thôn.
Tai nạn giao thông là điều không ai muốn, nhưng nó đã và đang xảy ra hàng ngày trên mọi tuyến đường, từ thành thị cho đến nông thôn, vùng sâu xa...Thống kê từ Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 6 tháng đầu năm đã có 76 vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, làm chết 17 người và 63 người bị thương, trong đó chủ yếu là các vụ tai nạn do người điều khiển mô tô, xe máy.
Bài học rút ra từ những vụ tai nạn giao thông là phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông mới không để xảy ra tai nạn giao thông cho chính mình và cho mọi người. Bài học không mới nhưng nhắc đi nhắc lại đến bao nhiêu lần vẫn là chưa đủ.
Đường đẹp nhưng thiếu an toàn
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, mạng lưới đường bộ của tỉnh Ninh Bình đến nay có tổng cộng trên 2.800 km được phân cấp, trong đó đường huyện 349,5km, đường xã gần 1.400 km. Đối với đường giao thông nông thôn, sau Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hạ tầng giao thông nông thôn đã được đẩy mạnh.
Nâng cấp và làm mới được gần 1.800 km, 100% các xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm xã. Đường giao thông dần được cứng hóa từ đường thôn, xóm đến đường nội đồng. Giao thông nông thôn đã có diện mạo hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, có một nghịch lý "đường đẹp lại nhiều tai nạn". Theo phân tích của ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông khu vực nông thôn ngày càng có chiều hướng gia tăng, trước hết là sự bất cập về tổ chức giao thông và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Sự bất cập này thể hiện ở chỗ trong khi hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được nâng cấp và phát triển (nhựa hóa, bê tông hóa) thì các thiết bị để tổ chức giao thông lại chưa theo kịp như đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng, biển báo giao thông…
Bên cạnh đó, đường nông thôn thường hay bị che khuất do không có thiết kế kỹ thuật, chủ yếu là cải tạo lại từ con đường cũ nên rất dễ xảy ra tai nạn khi lái xe với tốc độ cao. Các địa phương trong quá trình xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn cũng không có sự hướng dẫn kỹ thuật cũng như giám sát để đường giao thông theo đúng quy chuẩn của Bộ Giao thông-Vận tải quy định.
Ông Phạm Quốc Chính, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông - Vận tải nhận xét: Theo Quyết định 4927/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông -Vận tải về việc "Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020" và Quyết định 30/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định tạm thời Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu giai đoạn 2017-2020 thì 100% các nút giao cắt, điểm giao thông nguy hiểm đường trục xã, thôn phải có biển báo giao thông như biển cấm, biển cảnh báo, biển chỉ dẫn...; đường giao thông khu trung tâm xã, khu dân cư tập trung phải có vỉa hè và có hệ thống đèn chiếu sáng đạt trên 60%…
Tuy nhiên, trên thực tế, vì đa số kinh phí cải tạo các tuyến đường này thường theo cách vận động, quyên góp từ nhân dân, nên chủ yếu mới chỉ chú trọng làm phần nền đường, dẫn đến những điểm giao cắt, điểm họp chợ, điểm bị che khuất tầm nhìn đều không có biển cảnh báo, những đoạn đi qua khu vực nguy hiểm cũng không có đường hộ lan.
Thiếu kiểm soát về giao thông
Ông Nguyễn Duy Phong, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh nhận định: Một nguyên nhân không nhỏ góp phần làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông khu vực nông thôn là số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, trong khi đó kiến thức pháp luật giao thông của nhiều người dân còn hạn chế. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đăng ký mới 1.253 xe ô tô, 9.853 xe mô tô, nâng tổng số xe hiện đang được quản lý lên 26.392 xe ô tô và 413.081 xe mô tô.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng ở một số địa phương, nhất là cấp xã còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đã được các xã quan tâm nhưng chưa duy trì thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở cho rằng việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ của lực lượng công an, do đó chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Một nguyên nhân khác cũng cần nhắc tới là sự vắng mặt của các lực lượng chức năng nên chưa kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Đây là những nguyên nhân làm cho tình trạng ATGT khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đang trở nên phức tạp.
Thiếu tá Trần Việt Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Nho Quan cho biết: Huyện Nho Quan có 27 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã miền núi, 3 xã vùng cao địa hình phức tạp nhưng đội chỉ có 16 cán bộ, chiến sỹ.
Với lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường nông thôn thiếu và mỏng như hiện nay thì không thể đảm bảo kiểm soát hết được những vi phạm của người tham gia giao thông trên địa bàn. Mặc dù lực lượng công an xã được phép xử lý một số hành vi vi phạm.
Song việc xử lý không triệt để, nghiêm minh vì đa phần những người vi phạm đều là anh, em, con cháu trong họ và người làng. Đây là một trong những nguyên nhân rất đặc thù khiến TNGT tại các vùng nông thôn có chiều hướng tăng.
Nguyễn Thơm
Kỳ II: Trách nhiệm không chỉ của lực lượng Công an