Tính đến 31/7/2019, trên địa bàn huyện Kim Sơn có 70 cơ sở kinh doanh có điều kiện, gồm: Dịch vụ karaoke 24 cơ sở, cầm đồ 1 cơ sở, lưu trú 45 cơ sở.
Thời gian qua, UBND huyện Kim Sơn đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
Huyện Kim Sơn đã tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện tình hình liên quan đến lĩnh vực này, nhất là hoạt động kinh doanh lưu trú, karaoke, cầm đồ, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Ngoài tích cực thông tin, tuyên truyền pháp luật một cách sâu rộng đến nhân dân, huyện Kim Sơn còn quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý vi phạm.
Thực hiện Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm trong hoạt động "tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ, Công an huyện đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp nên đã có 10 cơ sở xin ngừng hoạt động để chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát đã trao đổi và đề nghị huyện Kim Sơn làm rõ thêm một số vấn đề cần quan tâm về số liệu cụ thể; sự bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật; các kiến nghị đề xuất với tỉnh và Trung ương...
Đoàn cũng ghi nhận công tác chuẩn bị cho buổi làm việc của huyện đã đáp ứng yêu cầu đề ra; qua báo cáo và các ý kiến trao đổi cho thấy những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng cho thấy sự quan tâm của các cấp chính quyền huyện Kim Sơn đối với loại hình kinh doanh có điều kiện này...
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và karaoke trên địa bàn huyện Kim Sơn.
Thái Học - Anh Tuấn