Thực hiện Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh và Đề án 06 của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM cũng như củng cố và kiện toàn ban chỉ đạo, tổ công tác giúp lãnh đạo Sở thực hiện nhiệm vụ. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành xây mới 27 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong toàn tỉnh lên gần 89%. Kiên cố hóa gần 570 km kênh chính, đạt gần 25%.
Đối với việc phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, đến nay Ninh Bình có gần 850 trang trại. Các mô hình kinh tế trang trại đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo. Sở NN&PTNT cũng đã tổ chức thực hiện 23 đề án phát triển sản xuất, đang triển khai 353 mô hình phát triển kinh tế, đã nhân rộng trên 80 mô hình tốt.
Ngành nông nghiệp cũng đã làm tốt việc lập và thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cấp xã. Thực hiện lồng ghép chuyển giao tiến bộ KHKT trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2013 giá trị 1 ha đất canh tác ở Ninh Bình đạt 97 triệu đồng, tăng 11 triệu đồng so năm 2011; thu nhập bình quân của hộ dân khu vực nông thôn đạt gần 80 triệu đồng/ năm, tăng trên 26 triệu đồng so năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,44%, giảm 4,4% so năm 2011.
Trong xây dựng NTM, Sở NN&PTNT đã thực hiện tốt công tác tham mưu, lập quy hoạch vùng và quy hoạch sản xuất, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, huy động được sự đóng góp công sức, tiền của của tập thể và cá nhân.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, toàn tỉnh hiện còn 119 xã thực hiện XDNTM (1xã đã sáp nhập) với 100% các xã đã hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM, 13 xã đã đạt chuẩn tiêu chí về giao thông nông thôn, 19 xã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi, 90 xã đạt chuẩn tiêu chí về điện, 49 xã đạt chuẩn tiêu chí về trường học, 13 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 40 xã đạt chuẩn tiêu chí chợ nông thôn, 116 xã đạt chuẩn tiêu chí bưu điện và 60 xã đã đạt chuẩn về nhà ở, 26 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 18 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 75 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, 115 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, 85 xã đạt tiêu chí y tế, 69 xã đạt tiêu chí giáo dục, 78 xã đạt tiêu chí văn hóa, 31 xã đạt tiêu chí môi trường, 102 xã đạt tiêu chí về tổ chức chính trị, 119 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự…
Sau hơn 3 năm bình quân mỗi xã tăng 5,5 tiêu chí, đến nay toàn tỉnh có 5 xã đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn vốn trong 4 năm qua toàn tỉnh đạt gần 8 nghìn tỷ đồng với cơ cấu vốn được phân bổ từ các nguồn khác nhau, việc quản lý sử dụng vốn đúng mục đích.
Tuy nhiên, một số chính sách chưa phù hợp với đặc thù mà còn mang tính bình quân; một số hướng dẫn chưa cụ thể, do vậy cơ sở khó vận dụng; bên cạnh đó định mức hỗ trợ còn thấp, phương thức, hồ sơ trình tự hỗ trợ còn có bất cập; trong xây dựng NTM mới còn coi trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa , cải thiện môi trường chưa được coi trọng đúng mức…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh và nhấn mạnh: Tỷ lệ tiêu chí đạt được qua các năm tăng, nhưng các tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn đạt thấp. Phát triển kinh tế, đầu tư cho sản xuất còn ít, nhất là ở lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, nước sạch cho nhân dân còn khó khăn; thủy lợi giao thông nội đồng còn bất cập…
Đồng chí yêu cầu Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh rà soát lại các vấn đề trên và có giải trình trong báo cáo rõ ràng cụ thể, phân tích kỹ hơn nguồn vốn huy động trong xây dựng NTM, nhất là nguồn vốn đóng góp của nhân dân. Có đề xuất cụ thể, rõ ràng với HĐND, UBND tỉnh về những khó khăn, vướng mắc. Phối hợp với các cơ quan liên quan, thống nhất số liệu, hoàn chỉnh văn bản, báo cáo gửi về Văn phòng HĐND tỉnh.
Đinh Chúc-Đức Lam