Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo đó, thời gian qua, với trách nhiệm của mình, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, công tác phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho nhiều đối tượng như: cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh trong các nhà trường. Nội dung chủ yếu là các kiến thức về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, giá trị sống, kỹ năng sống, các biện pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường.... Qua đó đã có những tác động đến nhận thức và hành động của trẻ em, gia đình, nhà trường và xã hội về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, Ngành Giáo dục cũng quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ. 100% các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông thực hiện nghiêm túc, đảm bảo an toàn về tính mạng và tinh thần cho trẻ trong thời gian sinh hoạt và học tập tại trường. Đặc biệt, công tác hỗ trợ, can thiệp của các cơ sở giáo dục khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại được các cơ sở giáo dục quan tâm. Có trên 150 học sinh có nguy cơ bị xâm hại được áp dụng các biện pháp, hình thức hỗ trợ, như các cán bộ, giáo viên tuyên truyền, hỗ trợ bằng cơ sở vật chất, tình cảm; cắt cử học sinh tham gia giám sát, cùng học tập, rèn luyện trong nhà trường; đồng thời tích cực, thường xuyên phối hợp, liên hệ, trao đổi với phụ huynh học sinh để nắm bắt về tình hình học tập, đời sống của các em.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được ngành Giáo dục quan tâm. Trong 4 năm (từ 2015 - 2018), ngành đã tổ chức được 128 cuộc, 6 tháng đầu năm 2019 là 16 cuộc thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, bằng hình thức lồng ghép trong hoạt động thanh tra chuyên ngành hoặc thanh tra chuyên đề của Thanh tra Sở... Ngành Giáo dục cũng đã tích cực phối hợp với ngành, đoàn thể: Công an, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc... để tuyên truyền, phổ biến, triển khai công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong xã hội...
Tại buổi giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những kết quả mà sở Giáo dục và Đào tạo đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới như: Cần nâng cao nhận thức cán bộ quản lý ở các nhà trường về tầm quan trọng của việc tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em; phát huy trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc xử lý vụ việc, không có tư tưởng giấu giếm, bệnh thành tích; cần mạnh tay xử lý, tố cáo những trường hợp xâm hại trẻ em; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể có liên quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên, giúp đỡ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại.
Hạnh Chi - Minh Quang