Trong 8 năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể các cấp tiến hành phổ biến, tập huấn cho đội ngũ cán bộ ngân hàng, cán bộ hội và Ban quản lý các tổ Tiết kiệm và vốn các văn bản, chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; công khai kịp thời tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn các chính sách cho vay, lãi xuất cho vay, đối tượng thụ hưởng. Đồng thời mở 145 điểm giao dịch lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tiến hành các hoạt động giải ngân, thu nợ, thu lãi tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và giảm bớt thời gian, chi phí cho khách hàng.
Sau 8 năm thực hiện chính sách giảm nghèo, đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện có hiệu quả 9 chương trình tín dụng, cho 265.253 lượt hộ vay vốn với số tiền trên 2,79 nghìn tỷ đồng, trong đó, hộ nghèo là 124.671 lượt hộ; cận nghèo là 2.409 hộ.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng đã giúp trên 100 nghìn hộ có sự cải thiện về cuộc sống, chuyển biến nhận thức và cách thức sản xuất, kinh doanh; giúp 42.486 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 90 nghìn lao động; cho 49 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi theo học các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trên toàn quốc; hỗ trợ đầu tư trên 36 nghìn công trình vệ sinh và hơn 40,6 nghìn công trình nước sạch…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 18,2% xuống còn 6,87% (theo tiêu chí giai đoạn 2006-2010) và từ 12,4% xuống chỉ còn 7,54% (theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ngân hàng CSXH tỉnh còn gặp một số khó khăn trong thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước đối với công tác giảm nghèo, đó là nguồn vốn cho vay còn hạn chế, mức cho vay bình quân thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vay của hộ nghèo, cận nghèo; lãi suất của một vài chương trình còn cao so với mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại trên địa bàn; một số ít hội viên của các tổ chức nhận ủy thác có tư tưởng trông chờ chính sách chưa thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.
Ngân hàng CSXH tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 4 triệu đồng/công trình lên 8 triệu đồng/công trình; cho vay giải quyết việc làm từ 20 triệu đồng/hộ lên 30 triệu đồng/hộ để phù hợp với chi phí, giá thành vật tư hiện nay.
Xem xét hạ mức lãi suất cho vay hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay thương nhân vùng khó khăn bằng với mức cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm; Phê duyệt và thông báo nguồn vốn cho vay tạo việc làm theo Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cho vay đối với lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, để người dân có vốn chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đề nghị tỉnh hàng năm trích ngân sách địa phương chuyển sang tạo nguồn vốn cho vay hộ nghèo theo Nghị quyết số 10/NQ-TU và Thông báo kết luận số 516-TB/TU của Tỉnh ủy.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh; việc bình xét hộ nghèo; mức vốn cho vay hộ nghèo và cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; việc thu hồi vốn vay chương trình học sinh, sinh viên khi đến hạn…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Phương, TUV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao những kết quả mà Ngân hàng CSXH tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Đề nghị ngân hàng tiếp tục phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác làm tốt công tác cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Trong đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, giúp hộ nghèo và gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững. Với những kiến nghị, đề xuất của ngân hàng CSXH tỉnh, đoàn xin tiếp thu, tổng hợp trình Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Quốc Khang