Khánh Phú (Yên Khánh) là một trong những xã có diện tích đất thu hồi phục vụ cho khu công nghiệp Ninh Phúc tương đối lớn, với 290 ha (trên tổng diện tích toàn xã là 553 ha), trong đó có 90% là đất nông nghiệp. Diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, số lao động trong toàn xã bị ảnh hưởng là 2.930 người, trong đó độ tuổi từ 15 - 30 chiếm 35%, lao động từ 31 - 45 tuổi chiếm 40%,
Thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, huyện, trong những năm qua Đảng ủy, UBND xã Khánh Phú đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân tập trung đầu tư cho lao động thiếu việc làm đi học nghề, làm nghề và tự tìm việc làm. Trong năm 2004- 2005, với kinh phí hỗ trợ của tỉnh, xã đã phối hợp thông qua các doanh nghiệp, các HTX tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đầu tư trên 505 triệu đồng mở 16 lớp đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho 886 lượt người.
Sau đào tạo số lao động có việc làm là 570 người. Hai năm 2006, 2007, được hỗ trợ của tỉnh, huyện Yên Khánh, xã tiếp tục đầu tư 230 triệu đồng mở 10 lớp dạy nghề cho 473 người tham gia, số lao động có việc làm sau đào tạo là 296 người. Ngoài việc đào tạo nghề, xã còn khuyến khích, hỗ trợ, ưu tiên cho các tổ hợp, HTX ngành nghề thành lập, phát triển để thu hút lao động trong xã. Hiện tại xã đã thành lập được 5 HTX ngành nghề là HTX tiểu thủ công nghiệp, HTX thêu Ngọc Bích, HTX TTCN đá mỹ nghệ - mộc, KTX dịch vụ - mộc - cơ khí, HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm, thu hút được trên 500 lao động vào làm việc.
Với sự nỗ lực đó cho đến nay trong tổng số 2.930 lao động nông nghiệp cần hỗ trợ giải quyết việc làm thì đã có 1.672 người đã được hỗ trợ giải quyết việc làm. Trong đó địa phương tạo việc làm là 553 người; cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương tạo việc làm là 110 lao động; số đi xuất khẩu lao động là 41 người; tự tìm việc làm là 968 người. Các ngành nghề thu hút lao động chủ yếu là xây dựng nhà ở, mộc dân dụng, chế biến lương thực thực phẩm, dịch vụ vận tải, đá mỹ nghệ, thêu ren....
Tuy nhiên, số lao động cần được tiếp tục hỗ trợ giải quyết việc làm còn khá cao, khoảng 1.300 người. Số lao động có việc làm sau đào tạo mới chỉ chiếm 57,1%, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn sử dụng lao động địa phương ít, chỉ chiếm 6,5%; địa phương tạo việc làm chiếm 33%, còn lại chủ yếu là người lao động tự tìm việc làm, chiếm khoảng 58%.
Trở ngại lớn cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở đây là lao động nông nghiệp, trình độ thấp, một số vẫn còn tư tưởng trông chờ, ngại thay đổi ngành nghề, lúng túng trong định hướng việc làm, chưa thực sự coi các nghề được đào tạo là nghề chính thay thế nghề nông nên không mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Kỹ năng đào tạo, dạy nghề của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Một số dự án dạy nghề lại có hiệu quả thấp, chất lượng nghề chưa cao, các nghề đã dạy ở địa phương mới chỉ là loại hình truyền nghề.
Thực tế đó đặt ra cho cấp ủy Đảng, chính quyền của xã khánh Phú, huyện Yên Khánh phải thực hiện tốt hơn nữa việc hướng nghiệp, giải quyết việc làm; tích cực, chủ động trong liên doanh, liên kết đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ hợp, HTX tiểu thủ công nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút lao động; có những chính sách, chương trình, dự án ưu tiên dạy nghề, và đảm bảo cho công tác dạy nghề, giải quyết việc làm có hiệu quả, chất lượng.
Thông qua các đề án phát triển khu công nghiệp Ninh Phúc, phối hợp với các doanh nghiệp nắm vững nhu cầu lao động để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.
Hoàng Tâm