Ngược thời gian đi tìm chứng cứ Gắn với lĩnh vực người có công hàng chục năm nay, ông Phạm Quốc Doanh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã từng chứng kiến và trải qua nhiều lần đi tìm chứng cứ để củng cố hồ sơ cho đối tượng người có công. Khó lắm, vất vả lắm, vì nhiều trường hợp đối tượng bị mất hết giấy tờ, bởi vậy với ông, mỗi chuyến đi là một câu chuyện, một hành trình không thể nào quên. Có những lần, ông Phạm Quốc Doanh và các đồng nghiệp ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vào tận nghĩa trang phía Nam để xác minh tên cho một liệt sỹ. Chuyến đi ấy không có người thân liệt sỹ, không có chính quyền địa phương mà chỉ có những trái tim ấm nồng và lòng tri ân sâu sắc của những người làm công tác người có công. Hay trường hợp xác minh liệt sỹ cho một số đảng viên bị thực dân Pháp đánh chết ở huyện Yên Khánh. Giải quyết được sự việc ấy, ông Doanh và đồng nghiệp phải về địa phương tới vài chục lần, hết xác minh tài liệu của Đảng bộ địa phương, nghiên cứu hồ sơ, đến tổ chức các cuộc họp tại địa phương... Khó khăn, vất vả ấy chẳng ai kể đến bởi bù lại, công việc cũng kết thúc thành công với việc công nhận, làm lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công cho những đảng viên kiên cường ấy.
Ông Phạm Quốc Doanh đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà ông ấn tượng nhất, mới xảy ra, đó là hành trình tìm lại tên thật cho liệt sỹ Nguyễn Hữu Miệu ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô. "Vốn là một thương binh nặng, một "liệt sỹ" sống nên như một lẽ đương nhiên, thương binh Nguyễn Hữu Miệu sẽ được công nhận là liệt sỹ khi bị mất do vết thương tái phát. Một vấn đề phức tạp đã xảy ra, khi trong hồ sơ gốc và các giấy tờ hưởng trợ cấp hàng tháng có sự khác biệt về tên. Tên thật của ông là Nguyễn Hữu Miệu, nhưng trong giấy tờ lại là Nguyễn Hữu Miện"- Ông Phạm Quốc Doanh chia sẻ. Cũng bởi sự cố đó mà hành trình công nhận và làm lễ truy điệu cho ông Nguyễn Hữu Miệu trở nên khó khăn, có lúc tưởng chừng như bế tắc. Vậy là các cán bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lại ngược dòng thời gian, đi tìm từng dữ liệu, dò từng hồ sơ, kiên trì cùng với gia đình đối tượng lật dở từng giấy tờ cũ để tìm tên thật cho ông Nguyễn Hữu Miệu. Và cuối cùng, sau bao nỗ lực, ngành chức năng và gia đình đã tìm được giấy tờ quan trọng, chứng minh hai tên Nguyễn Hữu Miệu và Nguyễn Hữu Miện chỉ là một người.
Quyết tâm không để hồ sơ tồn đọng
Những năm gần đây, việc giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh đã cơ bản kịp thời. Cùng với việc đổi mới tuyên truyền, tăng cường đối thoại, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương, ngành liên quan phổ biến kịp thời những quy định về thực hiện chính sách đối với người có công. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, phát hiện, tổ chức xác nhận đảm bảo không để tồn đọng hồ sơ. Sở cũng kịp thời báo cáo, xử lý cơ bản các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, đặc biệt đối với liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học theo quy định, hướng dẫn của Nhà nước.
Đặc biệt, tỉnh ta đã thực hiện thành công cuộc Tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công theo tinh thần Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/10/2013. Tổng số đối tượng được rà soát là 36.267, trong đó số đối tượng được hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 33.077, chiếm tỷ lệ 91,2%, đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 3.165, chiếm tỷ lệ 8,73% và số đối tượng hưởng sai chính sách là 25, chiếm tỷ lệ 0,07%. Đối tượng hưởng chưa đầy đủ chế độ ưu đãi tập trung ở các trường hợp như: trợ cấp thờ cúng liệt sỹ 2.845 người; BHYT đối với thân nhân thương, bệnh binh: 244 người. Hai đối tượng này chiếm tỷ lệ 97,6% tổng số đối tượng hưởng chưa đầy đủ. Theo lý giải của ngành chức năng, sở dĩ có tình trạng này là do đây là 2 chính sách mới được bổ sung, trong khi đó số đối tượng hưởng đông, nhiều trường hợp hồ sơ liệt sỹ bị thất lạc và một số trường hợp thân nhân chưa ủy quyền cho người thờ cúng và lập hồ sơ đề nghị trợ cấp thờ cúng, do đó chưa giải quyết kịp. Đối với 25 đối tượng hưởng sai chế độ, chính sách ưu đãi rơi vào các trường hợp: trợ cấp tiền tuất liệt sỹ; trợ cấp thương binh, trợ cấp bệnh binh, trợ cấp con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trợ cấp thanh niên xung phong…
Kết quả này là cơ sở để tỉnh ta xem xét, giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong việc thực hiện chính sách đối với người có công. Công tác xử lý sau tổng rà soát được các cấp, các ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm và tích cực thực hiện với mục tiêu mọi đối tượng người có công được hưởng đúng, hưởng đủ mọi chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước… Theo đó, sau khi tổng hợp số liệu Tổng rà soát của các địa phương trong tỉnh, Ban chỉ đạo của tỉnh đã họp thống nhất để báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng với đó là chỉ đạo các địa phương phải kiểm tra, rà soát lại tất cả các đối tượng rà soát, có phương án xử lý dứt điểm các trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi, hưởng chưa đầy đủ chế độ ưu đãi. 25 trường hợp hưởng sai đã được sửa. Đối với 3.000 trường hợp hưởng chưa đầy đủ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản quyết liệt đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, hệ thống chính trị từ thôn, xóm, phố cùng vào cuộc với mục tiêu không để địa phương mình tồn tại một trường hợp nào. Đối với 279 trường hợp liệt sỹ chưa được trợ cấp thờ cúng với lý do là chưa có người được gia đình ủy quyền thờ cúng, lập hồ sơ đề nghị trợ cấp thờ cúng liệt sỹ, trong đó có một số trường hợp xảy ra tranh chấp chưa thống nhất được người thờ cúng liệt sỹ. Trước thực trạng này, UBND tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương cơ sở phải vận động, thuyết phục các gia đình ủy quyền người thờ cúng liệt sỹ, không để liệt sỹ của địa phương, dòng họ mình không có người thờ cúng.
Đào Hằng