Các lĩnh vực, ngành, địa phương dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ của xâm nhập mặn và hạn hán, nhất là các tỉnh ven biển có tỷ trọng ngành nông nghiệp cao. Trong mấy năm gần đây, hiện tượng El nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, khả năng đạt cường độ kỷ lục và kéo dài đến hết mùa xuân 2015-2016.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các khu vực Trung Bộ, Tây nguyên, Nam Bộ và hiện tượng mùa đông ấm ở khu vực miền núi, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ…
Năm 2015, hạn hán đã xảy ra ở nước ta, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, làm gần 40.000 ha dừng sản xuất do thiếu nước, diện tích cây trồng bị hạn hán lên tới 122.000 ha và hàng chục nghìn người dân bị thiếu nước sinh hoạt…
Để giải quyết vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó có hiệu quả.
Thực trạng hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây ra các hiện tượng: Bão, lũ lụt, hạn hán, lũ quét, ngập úng, xói lở đất, xâm nhập mặn ở vùng ven biển..., gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, trong đó hạn hán, xâm nhập mặn vụ đông xuân là một điển hình.
Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn đã lấn sâu vào các cửa sông từ 20 - 25 km trên sông Đáy và 10 - 15 km trên sông Vạc. Hiện tượng xâm nhập mặn có dấu hiệu gia tăng, nhất là vào giai đoạn đổ ải vụ đông xuân.
Theo số liệu thống kê từ năm 2001 đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều xảy ra hạn hán trong giai đoạn tưới dưỡng lúa vụ đông xuân, đặc biệt các huyện miền núi Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp... diện tích hạn và thiếu nước chiếm bình quân 15 - 20% diện tích canh tác.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm qua thời tiết diễn biến phức tạp, vụ đông xuân lượng mưa ít, dòng chảy suy kiệt dẫn đến mực nước trên các sông đều thấp, độ mặn cao, ranh giới xâm nhập mặn vào sâu trong sông nội địa. Thường xuyên phải xả nước các hồ thủy điện ở đầu nguồn để tăng lượng dòng chảy về hạ lưu, tạo nguồn nước tưới cho các vùng hạ lưu.
Mặt khác, địa hình tỉnh ta không đồng đều, phân chia thành các vùng cao thấp khác nhau rõ rệt, việc tưới, tiêu gặp nhiều khó khăn, nhất là các vùng bán sơn địa tưới chủ yếu bằng nguồn nước các hồ và vùng tưới tiêu bằng thủy triều.
Những năm gần đây, mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới, tiêu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều công trình được xây dựng đã lâu, hiện nay đều xuống cấp, năng lực phục vụ giảm.
Các công trình ngăn mặn giữ ngọt cũng đã xuống cấp, công trình kênh mương dẫn nước tưới bị hư hỏng, gây tổn thất nước khi tưới.
Các trục kênh, cửa cống lấy nước bị bồi lắng chưa được đầu tư nạo vét. Ngoài ra, do ý thức của một số hộ dân ở các địa phương chưa cao trong việc tưới tiêu tiết kiệm nước, gây lãng phí nguồn nước hoặc vứt rác thải làm ô nhiễm nguồn nước tưới.
Giải pháp chống hạn hán và xâm nhập mặn
Hàng năm, các đơn vị làm công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi của tỉnh chủ động xây dựng phương án phòng, chống hạn, tổ chức triển khai tất cả nguồn lực, nhân lực, các biện pháp phòng, chống hạn, mặn nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích lúa vụ đông xuân và rau màu vụ đông. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn vẫn thường xuyên xảy ra.
Về giải pháp trước mắt, các ngành, địa phương cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, tranh thủ những đợt xả nước của các hồ lớn tổ chức lấy nước và tích trữ vào các ao, hồ, trục sông, trục kênh, thùng đào, thùng đấu, thực hiện tưới tiết kiệm nước, không để rò rỉ, thất thoát nước, tận dụng tối đa thời gian mở cống lấy nước trong thời gian triều cường, độ mặn cho phép. Tập trung sửa chữa các trạm bơm điện, đảm bảo 100% máy phục vụ chống hạn, chuẩn bị các phương tiện công cụ bơm dầu, điện dã chiến, thủ công để hỗ trợ cấp nước phòng, chống hạn.
Đối với vùng thủy triều, phải tăng cường canh gác mặn tại các cửa cống lấy nước, thường xuyên tổ chức đo mặn, tranh thủ những lúc mặn thấp để mở cống lấy nước, khi nguồn nước sông đảm bảo lưu lượng có thể mở các âu cống lấy nước vào các hệ thống sông ngòi để lấy nước và đẩy mặn. Với những vùng mặn xâm nhập sâu thì chuyển đổi sang các hình thức sản xuất khác như nuôi trồng thủy sản, trồng cói...
Đối với vùng cao, xa, không có nguồn nước tưới chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình hạn hán và biện pháp phòng, chống.
Phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương lấy nước, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, nạo vét các cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm trên toàn tỉnh để tạo điều kiện lấy nước thuận lợi. Xây dựng lịch canh tác đảm bảo thời vụ, phù hợp và tranh thủ bám sát lịch xả nước tưới của các hồ thủy điện hàng năm.
Về lâu dài, tăng cường nguồn vốn đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống hồ chứa nhằm tăng dung tích đảm bảo việc điều tiết nước tưới cho toàn bộ diện tích canh tác các huyện Nho Quan, Yên Mô và thành phố Tam điệp. Xây dựng hệ thống điều tiết các cửa sông (xây dựng âu Kim Đài) nhằm mục đích ngăn mặn, giữ ngọt cho các tuyến sông nội địa, đảm bảo nước tưới cho các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, thành phố Ninh Bình. Lâu dài có thể tính phương án xây dựng các hồ chứa hạ lưu vừa ngăn mặn vừa giữ ngọt.
Kết hợp điều tiết hồ chứa thủy điện thượng lưu khi cần thiết. Sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi theo quy hoạch. Xây dựng quy trình vận hành tự động hệ thống công trình thủy lợi phù hợp lịch canh tác, trong đó có ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.
Đầu tư cho hệ thống đê, kết hợp trồng rừng phòng hộ ngập mặn ven biển; quản lý, nâng cấp độ che phủ rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng ngập mặn hiện có. Cải tạo hạ tầng kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu kinh tế (như cơ cấu cây trồng, nghiên cứu, sử dụng các loại cây, con thích ứng với hạn hán, chịu ngập, chịu mặn…), tập quán sản xuất và sinh hoạt của dân cư ven biển để thích nghi với mực nước biển dâng.
Đối với các xã vùng núi, công trình phục vụ tưới không vươn tới, chủ động chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang trồng các loại cây trồng cạn. Các diện tích được tưới bằng nguồn nước hồ khi lượng mưa ít, khô hạn dẫn đến hết nguồn tưới thì vụ đó có thể xem xét chuyển đổi canh tác sang các cây công nghiệp có khả năng chịu được khô hạn cao. Nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn, nhất là dự báo sự biến đổi khí hậu.
Tiếp tục xây dựng quy hoạch về lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi đến năm 2020 phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Từng bước xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy hoạch, thiết kế công trình có tính đến tác động hạn hán, xâm nhập mặn. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống hạn hán các cấp nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành có hiệu quả.
Thanh Chiên