Phương pháp này không chỉ giảm tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường mà còn có khả năng tiết kiệm cả chục tỷ đồng mỗi năm nhờ giảm chi phí phân bón và tăng năng suất cây trồng.
Trên những cánh đồng của xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), lúa đông xuân đã thu hoạch xong, nông dân đang tích cực chuẩn bị cho vụ mới. Mọi năm, thời điểm này cũng là lúc người dân tiến hành đốt rơm rạ, nhưng năm nay thay vì đốt bỏ, nhiều người đã biết tận dụng chính các phế phẩm nông nghiệp để tạo ra nguồn phân bón cho vụ sau.
Ông Phạm Văn Ba, xóm 13, xã Khánh Thành lần đầu tiên bắt tay vào làm phân hữu cơ từ rơm rạ. Ông cho biết: Trước kia, rơm rạ sau khi thu hoạch về tôi chỉ đốt bỏ nhưng nay đã biết cách chế biến thành phân hữu cơ. Vụ này tôi làm 5 tấn. Cách làm khá đơn giản, ai cũng có thể áp dụng. Sau khi gặt, chỉ cần thu gom rơm rạ vào góc ruộng hòa chế phẩm cùng với nước và phân NPK rồi tưới lên rơm rạ, sau đó phủ nilon lên đống rơm để giữ ẩm. Cứ mỗi tấn rơm rạ ủ 200 g chế phẩm, 1 kg phân NPK và 50 lít nước sao cho độ ẩm đạt trên 80%. Sau 10-15 ngày thì tiến hành đảo đống để vi sinh vật phân bổ đều, đồng thời bổ sung nước nếu thấy độ ẩm không đảm bảo. Từ 30 ngày trở đi có thể tiến hành kiểm tra chất lượng phân, nếu đảm bảo yêu cầu có thể mang ra sử dụng.
Đề tài do Trung tâm ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Đo lường thử nghiệm thực hiện từ đầu năm 2013 với sự tham gia của 4 HTX thuộc 3 huyện Yên Mô, Yên Khánh và Gia Viễn; quy mô 280 tấn rơm rạ trong vụ xuân và 120 tấn rơm rạ trong vụ mùa, tương đương với lượng phân hữu cơ sau khi xử lý là 160 tấn.
Để chuẩn bị cho công tác triển khai đề tài, Trung tâm đã tổ chức cho các cán bộ đi đào tạo, tiếp nhận công nghệ tại Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Hà Nội, đồng thời tổ chức 4 lớp tập huấn cho 160 người là cán bộ Ban quản trị HTX nông nghiệp, người nông dân tham gia mô hình về quy trình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học và cách bón phân hữu cơ sau xử lý cho cây lúa, cây khoai tây.
Đến nay, qua kiểm tra và đánh giá của cán bộ kỹ thuật và các hộ nông dân tham gia mô hình, tất cả các đống rơm ủ đều đạt kết quả tốt, sau 30-40 ngày rơm rạ cơ bản đã phân hủy thành phân hữu cơ có chất lượng tốt. Một số địa phương thực hiện có hiệu quả cao như xã Khánh Thành (Yên Khánh); xã Yên Nhân (Yên Mô)... Mô hình đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của bà con nông dân.
Kỹ sư Trịnh Đình Thể, chủ nhiệm đề tài cho biết: Đốt rơm rạ gây ra sự mất mát gần như hoàn toàn N, lượng P mất đi khoảng 25%, K mất đi khoảng 20% và S mất đi từ 50 - 60%. Các nguyên tố K, Si, Ca, Mg dễ bị rửa trôi từ đống tro. Chế phẩm vi sinh Fito-Biomix RR là một hỗn hợp vi sinh vật xử lý rơm rạ do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Hà Nội sản xuất. Chế phẩm bao gồm hỗn hợp các chủng vi sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật kháng bệnh cho cây trồng có mật độ lớn hơn hoặc bằng 107 CFU/g, các nguyên tố khoáng, vi lượng có tác dụng bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải nhanh và triệt để rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây, cải tạo độ màu mỡ và bổ sung cho đất một lượng lớn vi sinh vật, góp phần nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm sạch không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái xung quanh. Nếu tiến hành xử lý rơm rạ thu được từ 1 ha trồng lúa sẽ có 2,4 tấn phân ủ tương đương với khoảng 2,6 triệu đồng, trong khi đó chi phí xử lý chỉ mất 1,8 triệu đồng,như vậy lãi được 800.000 đồng.
Ninh Bình hiện có khoảng 80 nghìn ha lúa mỗi năm, tương đương với lượng rơm rạ sau thu hoạch ước khoảng 500 nghìn tấn. Nếu chỉ cần xử lý khoảng 30% trong số đó thì số tiền tiết kiệm được là trên 18 tỷ đồng. Được biết, hiện nhóm thực hiện đề tài đang tiếp tục hoàn thiện quy trình xử lý rơm rạ, đồng thời xây dựng mô hình ứng dụng phân ủ hữu cơ trên giống lúa LT2, cây khoai tây, từ đó xây dựng các công thức bón phân thích hợp.
Thiết nghĩ, để mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học được nhân rộng, thời gian tới rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc thu gom, xử lý rơm rạ sau thu hoạch làm phân ủ hữu cơ.
Về lâu dài, UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ, như đầu tư hỗ trợ tiền mua chế phẩm, đầu tư kinh phí cho công tác đào tạo, tập huấn... Nếu làm được như vậy chắc chắn sẽ giảm được ô nhiễm môi trường do khó đốt rơm rạ và góp phần phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu