Theo báo cáo chính thức của các đơn vị xuất khẩu lao động từ năm 2009 đến nay tỉnh Ninh Bình có 239 lao động đi làm việc có thời hạn tại Libya. Trong đó, theo kênh của Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế có 77 lao động, Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex có 134 lao động, Công ty cổ phần Bách nghệ toàn cầu có 1 lao động, Công ty cổ phần Simco Sông Đà có 3 lao động, Công ty cổ phần Thương mại phát triển Kỹ thuật và Nhân lực quốc tế có 1 lao động và Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Hải Phòng có 23 lao động.
Làm việc tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chúng tôi biết được những thông tin mới nhất về người lao động Ninh Bình đang làm việc tại Libya. Trước thời điểm xảy ra chiến sự, đã có 8 lao động về nước, số còn lại là 231 người. Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội liên tục kết nối thông tin với các đơn vị xuất khẩu lao động để nắm bắt tình hình người lao động Việt Nam, trong đó có người lao động Ninh Bình. Đối với số lao động hiện đang ở Libya, các doanh nghiệp đã cung cấp lương thực, chỗ ở đảm bảo an toàn cho người lao động.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các đơn vị chuyên doanh xuất khẩu lao động đang tích cực tìm các biện pháp để đưa số lao động Việt Nam đang làm việc tại đó về nước an toàn như: di dời lao động đến nơi an toàn, huy động mọi nguồn lực để đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước hoặc di chuyển sang các nước lân cận để từ đó đưa lao động về nước trong thời gian sớm nhất.
Kết nối với lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế, là đơn vị xuất khẩu lao động đóng chân trên địa bàn tỉnh, được biết: Đến cuối giờ chiều ngày 1-3 đã có 22 lao động, trong đó có 4 lao động là người Ninh Bình từ Libya về đến thành phố Hồ Chí Minh, sáng ngày 3-3, 4 lao động này đã về đến Ninh Bình. Số lao động còn lại hiện đang di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ về nước trong nay, mai.
Ngay tại buổi làm việc với phóng viên, cán bộ Phòng Lao động- Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã liên tục kết nối với các đơn vị xuất khẩu lao động có người lao động Ninh Bình đi làm việc và được các Công ty cho biết: Do hiện nay các công ty phải tập trung làm thủ tục để đưa số lao động Việt Nam về nước hàng ngày nên công tác thống kê, tổng hợp cụ thể số lao động của từng tỉnh, thành phố chưa được thực hiện kịp thời. Do đó, thông tin về lao động Ninh Bình sẽ được các đơn vị báo cáo sau.
Sau nỗi lo lắng về an toàn cho người thân đi làm việc tại Libya thì việc giải quyết chính sách cho người lao động là mối quan tâm của nhiều gia đình. Trả lời cho vấn đề này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ trực tiếp cho lao động về nước mỗi người 1 triệu đồng, doanh nghiệp xuất khẩu lao động hỗ trợ 1 triệu đồng/người, hỗ trợ tiền tàu xe hoặc đưa đón lao động về quê. Khi các lao động được đưa về nước sẽ căn cứ tình hình cụ thể để có phương án giải quyết phù hợp.
Về phía Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở đang đề xuất với UBND tỉnh một số giải pháp: Tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khẩn trương đưa lao động đang làm việc tại Libya về nước an toàn, báo cáo cụ thể số lượng lao động về nước và có chính sách hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đối với các huyện, thành phố, thị xã: rà soát, lập danh sách số lao động của địa phương đi làm việc tại Libya đã về nước hoặc chưa về nước; theo dõi, cập nhật thông tin và thường xuyên báo cáo tình hình lao động làm việc tại Libya trở về địa phương; thông báo cho các xã, phường, thị trấn tạm dừng tuyển lao động của địa phương đi làm việc có thời hạn tại Libya đến khi có thông báo mới; phối hợp với các ban, ngành, đơn vị xuất khẩu lao động trong việc giải quyết các vấn đề liên quan sau khi người lao động trở về địa phương.
Bên cạnh đó, để giải quyết những khó khăn trước mắt của người lao động khi về địa phương, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các ngân hàng gia hạn vốn vay cho các lao động đã vay vốn tại đơn vị để đi làm việc tại Libya mà phải về nước do tình hình mất ổn định, bạo loạn tại nước này và hỗ trợ thêm cho người lao động, ngoài các khoản hỗ trợ của Chính phủ và doanh nghiệp.
Bùi Diệu