Gia đình chị Lê Thị Hòa ở xã Gia Tường, huyện Nho Quan thuộc diện hộ cận nghèo. Mọi chi phí sinh hoạt của 4 thành viên trong gia đình chủ yếu phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng chị làm công nhân.Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, doanh nghiệp gặp khó khăn, chồng chị là một trong hàng nghìn công nhân trên địa bàn tỉnh bị buộc phải nghỉ việc không lương. Đứng trước khó khăn thiếu việc làm, không có thu nhập trang trải cuộc sống, mới đây gia đình chị Hòa được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư phát triển sản xuất. "Với số tiền được vay, tôi sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại, mua giống lợn sinh sản và thức ăn để phát triển chăn nuôi. Việc giải ngân nhanh chóng, kịp thời từ phía ngân hàng đã giúp gia đình tôi có thêm cơ hội phát triển kinh tế hộ. Tôi dự tính đây sẽ là kế sinh nhai bền vững của gia đình trong thời gian sắp tới"-chị Hòa phấn khởi nói.
Cũng có hoàn cảnh tương tự, gia đình chị Đinh Thị Thơm ở xã Yên Mạc (huyện Yên Mô) thuộc diện hộ cận nghèo, đang gặp khó khăn trong phát triển kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Chị Thơm cho biết: Cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân mang tính thời vụ, không ổn định. Do dịch bệnh, những lao động làm thời vụ như hai vợ chồng tôi là những người đầu tiên công ty cho nghỉ việc. Điều đó cũng đồng nghĩa gia đình tôi không còn nguồn thu nhập nào để trang trải các chi phí sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Để duy trì cuộc sống trong thời gian qua, gia đình tôi đã tằn tiện chi tiêu gần hết số tiền tiết kiệm dành dụm mấy năm qua. Trong khi dịch bệnh kéo dài, việc tìm kiếm công việc mới rất khó khăn, gần như không khả thi, tiền tiết kiệm gần hết đã làm cho gia đình tôi đứng trước khả năng tái nghèo trở lại. Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch, mới đây gia đình tôi là một trong hơn 10 hộ của xã được Hội Phụ nữ và Ngân hàng CSXH tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư phát triển sản xuất. Qua tư vấn của các cấp Hội, tôi đã mua 1 cặp bò sinh sản và gà giống, vịt giống về nuôi. Dự tính chỉ từ 3-4 tháng tới, tôi đã có gà, vịt để bán ra thị trường và sau hơn 1 năm sẽ có lãi 1 con bê.
Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Để kịp thời hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư sản xuất, khắc phục khó khăn do dịch bệnh, đồng thời đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu tín dụng năm 2020, Ngân hàng CSXH tỉnh đã bám sát chủ trương của Chính phủ, của ngành và của tỉnh để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi trên phạm vi toàn tỉnh. Mặt khác, Ngân hàng CSXH thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền cấp xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở tổ chức bình xét cho vay công khai, đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách… để giúp nhiều hộ khó khăn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn một cách hiệu quả, sớm ổn định cuộc sống. Với sự vào cuộc khẩn trương của các cấp, các ngành, việc giải ngân vốn vay ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đang được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng quy trình nghiệp vụ, phát huy hiệu quả và đáp ứng khá tốt nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Tính đến ngày 30/4, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 7.377 khách hàng với số tiền hơn 262 tỷ đồng. Doanh số thu nợ trên 205 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt trên 2.477 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn...
Như vậy, với việc triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đã có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó góp phần thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hồng Giang