Đảng bộ huyện Gia Viễn hiện có 70 tổ chức cơ sở đảng với hơn 7 nghìn đảng viên. Thực hiện Nghị quyết 22, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ cấp huyện đến cơ sở đã nhận thức rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị và ý thức tốt hơn về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở.
Nề nếp, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ được nâng lên, nội dung sinh hoạt có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ở cơ sở… Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ tăng, bình quân đạt trên 81,5%. Hàng năm có trên 90% TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, bình quân 12% TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Công tác quản lý cán bộ, quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm bố trí sắp xếp và sử dụng cán bộ, công chức đảm bảo về cơ cấu, số lượng, chất lượng theo chức năng nhiệm vụ và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Các chức danh quy hoạch cơ bản đều được quy hoạch 3 độ tuổi, cơ cấu tuổi trẻ, cán bộ nữ đều đảm bảo theo quy định, sát với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, kết quả xây dựng quy hoạch các chức danh diện Ban thường vụ, Thường trực huyện ủy quản lý của các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị có tuổi trẻ dưới 35 tuổi đều đạt trên 20%.
Công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đảng viên được tăng cường; chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng lên; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế.
Hội nghị cũng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 "Về nông nghiệp, nông dân và nông thôn". Trong đó đánh giá, triển khai Nghị quyết đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển KTXH của địa phương.
Tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn liên tục tăng, năm 2008 đạt hơn 300 tỷ đồng, đến năm 2017 con số này là gần 700 tỷ đồng. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực, giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản. Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, nhất là hộ nghèo được cải thiện rõ rệt. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,02% (năm 2008, theo chuẩn cũ) xuống còn 4,13% (năm 2018, theo chuẩn mới). Người nông dân được tiếp cận tốt hơn với các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa xã hội... Hạ tầng nông thôn từng bước được chỉnh trang, nâng cấp và phát triển theo quy hoạch, đặc biệt chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả khá toàn diện, đến hết năm 2017 có 13/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đào Duy- Thế Minh