Nếu không có người chỉ dẫn, chúng tôi không thể tìm được đến Trạm y tế xã Gia Tiến. Đó là trạm y tế cách Trung tâm y tế huyện Gia Viễn hơn chục cây số, được xây dựng từ năm 1990, nhưng không có tường rào, không có biển báo, nằm lọt thỏm giữa khu vườn nhiều cỏ dại, trông hệt như một nhà kho cũ. Nhưng từ nhiều năm nay, Trạm vẫn phục vụ khám, chữa bệnh cho bà con trong xã. Từ sáng sớm, đã có nhiều bệnh nhân trong xã đến khám và điều trị bệnh thông thường.
Chị Đỗ Thị Vân, Trạm trưởng Trạm y tế xã thoăn thoắt hết khám thai, rồi lại sang phòng tiêm. Chị cho biết, hàng năm cán bộ y tế thực hiện khoảng hơn 100 ca đỡ đẻ tại Trạm. Tuy nhiên, do chưa có máy siêu âm, cũng như máy đo tim thai nên có lúc "vừa đỡ, vừa run". Cán bộ của Trạm chỉ sử dụng kinh nghiệm và quan sát lâm sàng để chẩn đoán… Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, lại ở xa trung tâm, nên nhiều sản phụ từ lúc mang thai đến khi sinh chưa siêu âm lần nào.
Chị Đỗ Thị Vân cho biết thêm, ngoài khám, chữa bệnh thông thường, cán bộ Trạm y tế phải thực hiện các hoạt động chuyên môn khác như: thực hiện các chương trình y tế quốc gia như uống vitamin A, phòng, chống lao, sốt rét... rồi quản lý mô hình thu gom rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm, chiến dịch truyền thông lồng ghép DS-KHHGĐ, phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em... Thậm chí, cán bộ Trạm còn đều đặn viết bài truyền thông sức khỏe phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã, tuyên truyền cho nhân dân... Khối lượng công việc nhiều là vậy, song cả Trạm mới có 5 cán bộ, trong đó chỉ có 1 trạm trưởng là biên chế chính thức. Điều đó dẫn tới chất lượng công việc đôi khi không đạt hiệu quả như mong muốn.
Còn tại Trạm y tế xã Gia Phú, từ nhiều năm nay đã không có bác sỹ. Vì việc thu hút những người học đại học về làm việc tại cơ sở rất khó khăn. Giải pháp khả thi được tính đến là các Trạm y tế cử người đi đào tạo. Tuy nhiên, hiện Trạm vẫn chưa thể cử cán bộ đi học được, vì khối lượng công việc phải đảm đương quá lớn, trong khi số lượng cán bộ lại ít. Chưa kể, Phòng y tế khi cử người của Trạm đi học đều có cam kết sau khi học xong phải về công tác tại Trạm trong một thời gian nhất định, nếu vi phạm phải bồi hoàn lại khoản tiền đào tạo.
Nhưng thực tế nhiều người sau khi được cử đi học lấy bằng bác sỹ, học xong lại chuyển công tác khác. Mặt khác, trong khi cơ chế cho cán bộ y tế ở cơ sở vẫn còn khá hạn chế, thì đãi ngộ lại rất thấp. Do vậy, người lao động sẵn sàng bồi hoàn để được chuyển sang công việc khác với mức lương cao gấp 2,3 lần.
May mắn hơn một chút là Trạm y tế xã Gia Tân đã có bác sỹ cách đây 6 năm. Song đến nay Trạm cũng chỉ thực hiện các chương trình y tế quốc gia, chưa tổ chức được công tác khám và điều trị. Nguyên nhân là do Trạm thiếu các trang, thiết bị y tế. Bác sỹ Nguyễn Hồng Tiến, Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Tân cho biết: Trang thiết bị y tế của Trạm như giường, bàn khám, dụng cụ kéo, đo huyết áp, nồi hấp... được cấp cách đây cả chục năm, nay hầu hết đã hỏng, lạc hậu. Vì thế, có những ca bệnh có thể điều trị tại Trạm, nhưng đành phải chuyển lên tuyến trên.
Theo ông Đỗ Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, hiện huyện có 21 trạm y tế xã, thị trấn, trong đó nhiều trạm bị xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điển hình có 2 trạm bị xuống cấp, không đủ điều kiện khám, chữa bệnh là Gia Tiến và Gia Thắng,2 trạm phải mượn cơ sở UBND xã là Gia Vượng và Gia Lạc. Về nhân lực, hiện chỉ có 11/21 xã, thị trấn có bác sỹ. Ông Đỗ Ngọc Cảnh cho biết, khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo phân cấp quản lý, cấp xã phải chủ động về kinh phí để xây dựng các Trạm y tế. Nhưng các xã đều là xã nghèo, nên hết sức khó khăn để tìm vốn đầu tư cho Trạm y tế xã.
Ông Bùi Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đang nỗ lực phấn đấu đảm bảo tiêu chí về y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trước hết là đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, cácngành, người dân về chăm sóc sức khỏe. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác đấu giá giá trị quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn xây dựng Trạm y tế.
Mặt khác, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, kêu gọi các nguồn lực chung tay xây dựng cơ sở y tế. Thực tế, đã có địa phương xây dựng được Trạm y tế khang trang, hiện đại nhờ vào nguồn lực xã hội hóa như: xã Gia Xuân, Gia Thanh… Trong năm 2014, 5 trạm y tế cấp xã, gồm Gia Lạc, Gia Phong, Gia Minh, Gia Tiến và Gia Thắng đã được đầu tư xây dựng. Cũng trong năm 2014, huyện đang xây dựng 2 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu những năm tiếp theo sẽ có từ 3 - 4 Trạm y tế đạt chuẩn y tế quốc gia.
Ngoài ra, huyện Gia Viễn còn chú trọng đầu tư về nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đẩy mạnh công tác đào tạo tại chỗ theo diện cử tuyển để tăng cường cho tuyến y tế cơ sở...
Đào Hằng