Gia Viễn là địa phương có sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ. Từ năm 2008 đến tháng 6/2022, trên địa bàn huyện có 392 dự án với tổng số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 988,67 ha để sử dụng vào mục đích như: xây dựng các Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), đô thị, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng công cộng… Việc thu hồi đất đã làm hàng chục nghìn lao động bị mất việc và thiếu việc làm, chủ yếu là lao động nông thôn. Thực trạng này buộc họ phải tìm kiếm công việc khác hoặc phải chuyển nghề.
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn khẳng định, những năm qua, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động bị thu hồi đất đã được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Gia Viễn quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Chương trình đào tạo nghề luôn gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, số lượng lao động qua đào tạo nghề hàng năm đều tăng. Từ năm 2013 đến nay, huyện đã tổ chức trên 60 lớp đào tạo nghề cho trên 1.900 lao động nông thôn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia. Trong đó, có 45 lớp nghề phi nông nghiệp với 1.436 học viên và 15 lớp dạy nghề nông nghiệp với 477 học viên.
Sau khi học nghề, người lao động được tiếp cận các phương pháp, kỹ thuật mới từ đó áp dụng và đầu tư sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập được cải thiện. Điển hình như nghề đan cói bèo bồng ở Gia Sinh, Gia Trung; nghề thêu ren ở xã Gia Xuân, xã Gia Lập; nghề trồng nấm ở các xã: Gia Hưng, Gia Lạc; nghề may công nghiệp ở các xã Gia Trung, Gia Minh...
Hàng năm, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn đã đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cho doanh nghiệp và người lao động, để thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, khuyến khích người dân tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện có 3.454 lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm, với tổng số tiền gần 138.160 triệu đồng.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức ngày hội việc làm, tư vấn tuyển sinh trên địa bàn huyện; triển khai các chương trình tuyển lao động đi xuất khẩu theo hợp đồng lao động… Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện có 1.500 lao động đi làm việc ở ngước ngoài theo hợp đồng tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)... Số lao động đi làm việc thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tăng lên. Từ năm 2012 đến nay đã giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề ở huyện Gia Viễn vẫn còn nhiều việc phải làm. Như tại xã Gia Vân, để phục vụ cho việc phát triển của CCN, xã đã phải thực hiện thu hồi trên 800 ha đất nông nghiệp. Do đó, vấn đề tạo việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất luôn được địa phương quan tâm, để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông Đinh Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Gia Vân cho biết: Hiện nay, trong CCN Gia Vân có 8 doanh nghiệp đang hoạt động. Với cam kết giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất, đến nay, các doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 700 lao động ở xã Gia Vân. Ngoài ra, nhiều lao động làm việc trong các lĩnh vực khác như: các xưởng may vệ tinh; phục vụ du lịch, hàng ăn… Vì vậy, cơ bản ở Gia Vân không có tình trạng lao động trong độ tuổi, đủ khả năng lao động mà thiếu việc làm.
Tuy vậy, đa số người lao động của xã là lao động phổ thông, chủ yếu được doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo, đảm nhận những vị trí việc làm không đòi hỏi tay nghề, kỹ thuật cao. Do đó, thu nhập của người lao động cũng vì thế mà chưa đạt được ở mức như mong muốn.
Công ty Cơ khí Nam Thành (KCN Gián Khẩu) chuyên sản xuất con lăn băng tải sử dụng trong công nghiệp và hàn đắp phục hồi con lăn bàn nghiền cho các nhà máy sản xuất xi măng. Đại diện Công ty cho biết, mỗi năm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển bổ sung hàng chục lao động có kỹ thuật về hàn, tiện và gia công cắt gọt. Để có đủ số lao động, doanh nghiệp phải thường xuyên tuyên truyền, gửi chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó ưu tiên lao động là người địa phương… tuy nhiên, nguồn tuyển dụng rất khan hiếm.
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Hiện nay, toàn huyện có trên 17.000 lao động đang làm việc trong các KCN, CCN trên địa bàn. Tuy nhiên, lao động của huyện chủ yếu là lao động phổ thông, chưa có nhiều lao động tay nghề cao, đảm nhận được các vị trí việc làm quan trọng trong doanh nghiệp. Thực tiễn này đặt ra những thách thức mới cho công tác đào tạo nghề của huyện Gia Viễn, nhất là trong thời gian tới, khi các KCN, CCN sẽ được lấp đầy theo lộ trình và lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế trong thu hút đầu tư.
Mục tiêu quan trọng mà huyện Gia Viễn hướng tới trong giai đoạn mới này không chỉ là kết nối, đảm bảo việc làm cho người lao động mà còn tập trung tăng dần tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đưa lực lượng lao động có chất lượng vào làm việc, đảm nhận những vị trí việc làm chủ chốt tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn.
Cùng với nỗ lực của địa phương, các doanh nghiệp cũng cần phải nhận thức đầy đủ rằng, chất lượng lao động chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần tạo được môi trường làm việc thân thiện với chế độ lương, thưởng, phúc lợi công bằng và hợp lý để thu hút được nguồn lao động chất lượng cao.
Đào Hằng