Nằm ngay trung tâm huyện, mỗi buổi tối Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Gia Viễn đều sáng đèn để phục vụ các võ sinh của Câu lạc bộ võ thuật huyện luyện tập. Thời gian tập luyện, sinh hoạt của các võ sinh thường bắt đầu từ 17 giờ đến 19h30 hằng ngày. Dù nhà gần như các võ sinh ở thị trấn Me hay phải đạp xe từ 5 đến 7 cây số mỗi ngày để đến với câu lạc bộ, nhưng các võ sinh đều rất hào hứng. Ông Bùi Xuân Thúy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện cho biết: Do tình yêu với môn võ thuật từ khá lâu, tôi luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho các phong trào thể thao của huyện để đạt những giải cao trong các kỳ đại hội TDTT. Môn võ Vovinam mang đậm tính dân tộc, khoa học và hiện đại, các động tác bài tập chú trọng về quyền cước, phòng thủ, tấn công gần, với đặc điểm của môn võ này rất phù hợp với tinh thần thượng võ và nét văn hóa của người Gia Viễn. Ngay trong năm đầu thành lập, huyện đã mở 2 lớp Vovinam tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và Câu lạc bộ võ thuật khu vực Gián, với khoảng 50 võ sinh tập luyện thường xuyên. Là môn võ mới, mặc dù chưa có đội tuyển cấp tỉnh, tuy nhiên trong lần đầu tham gia giải vô địch Vovinam khu vực miền Bắc năm 2010 tại Hà Nội, đoàn Gia Viễn với 5 vận động viên tham gia, đã có được 2 tấm Huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Từ khi thành lập đến nay, mặc dù còn bộn bề khó khăn (về cơ sở vật chất, huấn luyện viên, kinh phí hoạt động...), nhưng Vovinam Gia Viễn đã và đang trưởng thành mạnh mẽ. Từ việc tham gia các giải đấu khu vực với mục đích cọ xát học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển Vovinam trên địa bàn huyện, đến nay phong trào võ thuật của huyện Gia Viễn phát triển khá mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người. Nhiều vận động viên xuất sắc đã xuất hiện, trưởng thành như Đinh Văn Bảy, Trần Văn Mạnh, Phạm Văn Khả, Phạm Minh Tân, Đinh Thị Lan... Ông Bùi Xuân Thúy, cho biết thêm: Dù vậy, thực tế hiện cũng cho thấy, việc mở rộng, phát triển phong trào Vovinam ở huyện Gia Viễn trong thời gian tới còn gặp không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên có thể nhìn thấy đó chính là điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm tập luyện, trang thiết bị tập luyện thiếu thốn, kinh phí cho hoạt động của câu lạc bộ võ thuật huyện còn hạn chế. Thêm vào đó, cơ chế, chính sách quan tâm đến đời sống của huấn luyện viên vẫn chưa được quan tâm đúng mức để họ gắn bó với nghề. Việc chưa có những giải đấu phong trào cấp tỉnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác tìm kiếm, phát hiện những vận động viên năng khiếu làm lực lượng kế cận cho bộ môn này. Công tác xã hội hóa việc thu hút các nguồn lực bên ngoài hỗ trợ cho Vovinam thì càng khó khăn hơn. Trong khi đó, đối tượng tham gia tập luyện của Câu lạc bộ Vovinam Gia Viễn hầu hết là học sinh có độ tuổi 10 đến 18 nên ban đầu chúng tôi xác định nỗ lực để phát triển phong trào, lấy nguồn vận động viên là tuổi trẻ của huyện. Để hướng xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn có sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương để đưa môn thể thao dân tộc này trở thành một trong những nội dung học tập của giáo dục thể chất tại các trường học trên địa bàn huyện.
Hồng Vân