Đồng chí Triệu Trọng Thanh, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn cho biết: Trung bình mỗi năm huyện Gia Viễn có hàng trăm người đến tuổi lao động, trong đó phần lớn là lao động xuất thân từ nông thôn. Nhiều năm qua, Gia Viễn đã xác định giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn với thu nhập đảm bảo cuộc sống ổn định là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Trên cơ sở chính sách đầu tư phát triển, huyện đã khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề nhằm tạo thêm nhiều chỗ làm, việc làm mới.
Trong công tác giải quyết việc làm, huyện coi trọng đào tạo nghề, truyền nghề dưới nhiều hình thức để người nông dân có việc làm tại chỗ cũng như được tuyển dụng vào làm việc ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ban chỉ đạo giải quyết việc làm của huyện luôn được kiện toàn, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho người lao động.
Bên cạnh đó, Gia Viễn còn tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, mùa vụ, phát triển trang trại, khôi phục một số nghề truyền thống, phát triển hệ thống chợ.... góp phần tạo thêm việc làm cho người dân. Từ đầu năm đến nay, Gia Viễn đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề: dịch vụ, du lịch; mỹ nghệ; công nghiệp (điện, may mặc); chuyển giao tiến bộ KHKT về trồng trọt, chăn nuôi... cho hàng trăm lượt người.
Hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu tại Công ty chế biến xuất khẩu gỗ Tài Anh.
Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, các phòng chức năng tiến hành rà soát, phân loại đối tượng nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất. Trong tổng số 6.500 đối tượng bị mất đất sản xuất nông nghiệp đã có 2.300 lao động có việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định. Với sự cố gắng nỗ lực cao của các cấp, ngành cùng những giải pháp hiệu quả trên, trung bình mỗi năm, Gia Viễn đã giải quyết việc làm mới cho 4.000 người. Đã có sự thay đổi trong nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về việc làm. Người lao động không thụ động, chờ đợi Nhà nước bố trí, sắp xếp việc làm mà họ đã chủ động tạo việc làm cho mình và cho người khác. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, toàn huyện đã có thêm 2.534 lao động có việc làm mới, chủ yếu ở các ngành nghề xây, mộc, thêu ren…, góp phần tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người dân.
Thời gian tới, Gia Viễn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tạo việc làm mới cho khoảng 4.800 người trong năm 2009. Để thực hiện được mục tiêu này, Gia Viễn rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành chức năng và nhất là các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.
Theo thống kê sơ bộ, hiện số lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn là người địa phương vẫn còn ở mức khiêm tốn (khoảng 900 lao động). Lý do chính là trình độ tay nghề của người lao động chưa thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Trong khi đó, huyện lại chưa có Trung tâm dạy nghề nên nhiều lao động phải gửi đi đào tạo tại các địa phương khác. Việc thu hút lao động vào các doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đào tạo và sử dụng nguồn lao động…
Giải quyết việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Viễn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi gia đình, mỗi công dân trong độ tuổi lao động cũng cần nhận thức đầy đủ về vấn đề việc làm, khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chủ động phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp để tạo cho mình một công việc có thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giải quyết việc làm một cách bền vững.
Tống Thị Lan Phương