Kinh tế "khỏe" thì... đẻ thêm con
Ngoài 40 tuổi, chị họ tôi mang thai con thứ 3. Là "gia đình kiểu mẫu", trước đây vợ chồng chị quyết định dừng lại ở 2 con để có điều kiện làm kinh tế, chăm lo con cái học hành. Vậy mà khi kinh tế gia đình đã khá giả, 2 cô con gái chăm ngoan, đứa vào Đại học, đứa học lớp 11, thì chị lại... mang bầu. Chị ngượng ngùng: Vợ chồng chị quyết định "cố" thêm "thằng cu" để nương tựa lúc tuổi già. Hơn nữa, phải có đứa con trai thì mới coi là hoàn thành nhiệm vụ và có "uy" với nhà chồng. Kinh tế nhà chị đã vững nên việc sinh thêm con cũng không có khó khăn gì...
Dù đã đủ cả "nếp" lẫn "tẻ", nhưng chị Nguyễn Thị H, tiểu thương chợ huyện Gia Viễn vẫn quyết định "ở cữ" lần thứ 3. Chị H tâm sự: Thực ra chị cũng không muốn sinh thêm con nữa. Nhưng nhà khá giả nên anh chị sợ rằng nếu là con trai một, cậu quý tử sẽ hư vì được nuông chiều. Ông xã chị bảo nhà có điều kiện, đẻ nhiều cho vui cửa vui nhà. Hơn nữa, đẻ xong thuê người chăm nên chị cũng không phải vất vả. "Thôi thì cố thêm đứa nữa, nhiều con cái cũng là phúc, là lộc em ạ" - chị bảo thế
Bà Đinh Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Gia Viễn cho biết: "Đang có thực tế, trước đây nhiều gia đình còn khó khăn về kinh tế thì sợ không dám đẻ nhiều. Nay, khi kinh tế đã khá lên, đời sống vật chất dư thừa thì việc thêm con, thêm cháu chẳng những không ảnh hưởng gì đến kinh tế mà còn được coi là có phúc, có lộc". Thực tế là đối tượng sinh con thứ 3 trở lên ngày càng mở rộng và ngày càng "già hóa" đang đặt ra cho ngành Dân số nhiều thách thức. Từ trước tới nay chúng ta thường tập trung vào nhóm đối tượng sinh con một bề, những cặp vợ chồng trẻ...để vận động, tuyên truyền, chứ ít ai ngờ nhiều gia đình đã có tới 2,3 "người nối dõi", thậm chí, có những trường hợp chị em đã vào cái tuổi "ngoại tứ tuần" rồi mà vẫn đẻ nữa. Cá biệt, có những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên là cán bộ, đảng viên.
Trong khi đó theo quy định thì mức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm chính sách dân số mới chỉ là… khiển trách. Còn theo quy ước, hương ước của nhiều làng, phố văn hóa, người dân sinh con thứ 3 trở lên chỉ bị phạt vài trăm nghìn... Với những gia đình có kinh tế khá giả thì mức phạt này không gây khó khăn gì.
Hiệu quả của những cách làm sáng tạo
Trước thực tế ấy, huyện Gia Viễn đã áp dụng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm kiểm soát tình trạng tăng con thứ 3 trở lên. Theo đó, huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể đối với công tác DS-KHHGĐ theo từng thời điểm. Bên cạnh đó, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác dân số, trong đó có quy định cụ thể hình thức xử phạt đối với những đảng viên sinh con thứ 3. Huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm tổ chức, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, để thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn.
Các thành viên của Ban chỉ đạo được phân công phụ trách các xã, thị trấn nhằm đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình và chỉ đạo điều tra thông tin về dân số, số lượng trẻ em, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên... Từ đó tập trung vận động và triển khai các biện pháp tránh thai cho những đối tượng này. Huyện phát động phong trào thi đua giảm tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3. Những cách làm hiệu quả trong công tác giảm sinh con thứ 3 (đã được chứng minh trong thực tế) của các thôn, xã sẽ được tập hợp, trở thành "cẩm nang" cho các xã khác tham khảo…
Huyện luôn gắn kết công tác truyền thông, giáo dục với đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định những trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Đưa công tác DS-KHHGĐ thành một nội dung quan trọng trong chương trình công tác trọng tâm hàng năm, lấy kết quả thực hiện mục tiêu DS-KHHGĐ là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước của các tập thể, cá nhân...
Theo bà Đinh Thị Thúy, nhiều chị em tâm sự sinh thêm con hoàn toàn là vì các ông chồng. Do vậy, nam giới lại là người quyết định việc có hay không sử dụng các biện pháp KHHGĐ và thực hiện KHHGĐ. Nhưng hiện hơn 90% lượng người tham gia các chương trình SKSS-KHHGĐ là phụ nữ. Điều đó chứng tỏ, trách nhiệm của nam giới trong việc thực hiện KHHGĐ chưa cao. Từ thực tiễn đó, huyện Gia Viễn xác định, sự tham gia của nam giới vào việc KHHGĐ là một chiến lược, hứa hẹn giải quyết một số vấn đề bức bách hiện nay về dân số. Huyện Gia Viễn yêu cầu các đơn vị phải tập trung hướng đến đối tượng tham gia đình sản là nam giới nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự cảm thông chia sẻ của người chồng đối với vợ trong việc thực hiện KHHGĐ.
Những nỗ lực đó đã đem lại kết quả ấn tượng cho công tác dân số của Gia Viễn: Tỷ lệ sinh là 15,52%, giảm 0,2 %o so với cùng kỳ năm 2012, số trẻ con thứ 3 trở lên có 269 cháu, giảm 26 cháu so với cùng kỳ năm 2012 (Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 14,5%, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó, số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên giảm 2 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012. Đến nay, địa phương có 69/265 địa bàn từ 2 đến 19 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 0,7%, đang ở mức ổn định.
Đào Hằng