Thôn Đoan Bình, xã Gia Phú (Gia Viễn) có 405 hộ với gần 1.500 khẩu. Trước năm 2001, đời sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn: 10% số hộ nhà cấp 4 tạm bợ, trong thôn chưa có nhà văn hóa, 80% đường sá là đường đất và đá hỗn hợp, 3% hộ hết gạo ăn khi giáp hạt, 20% hộ chưa sử dụng điện sáng, trường mầm non còn dạy tạm ở nhà kho của HTX… Thế rồi cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do MTTQ Việt Nam phát động đã như một "làn gió mới" làm đổi thay diện mạo của thôn. Nét nổi bật của trong việc thực hiện cuộc vận động ở địa phương là đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Theo đó, MTTQ thôn đã phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, phát triển và mở rộng ngành nghề, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chú trọng phát huy tiềm năng thế mạnh của từng xóm, như nuôi thả cá vụ, cá lồng ở vùng đồng chiêm trũng, đa dạng các ngành nghề ở địa phương như: Mộc, nề, cơ khí, buôn bán dịch vụ…
Nhờ đó, thu nhập và đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân trong thôn và đó chính là nền tảng, điều kiện quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2005, thôn Đoan Bình được UBND tỉnh cấp bằng công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, chính quyền và người dân trong thôn đều có ý thức giữ gìn và nâng cao hơn nữa chất lượng của danh hiệu. MTTQ thôn vận động các gia đình nâng cấp nhà ở, xây dựng tường rào, cửa ngõ khang trang sạch sẽ.
Để thực hiện được điều này, ngoài nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình, bà con trong thôn đã đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mỗi tổ chức hội đều xây dựng quỹ xóa đói giảm nghèo để cho hội viên vay với số tiền từ 6-7 triệu đồng; 15 dòng họ trong làng đều có quỹ xóa đói giảm nghèo cho anh em, họ vay với số tiền trên 100 triệu đồng; cả thôn có 12 tổ chức tự nguyện là đồng ngũ, đồng môn và người hưởng lương liên kết tham gia vào phường góp vốn cho nhau vay xóa đói giảm nghèo với số tiền trên 200 triệu đồng…
Bên cạnh đó, người dân trong thôn còn bảo nhau chấp hành tốt chính sách pháp luật, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của chính quyền, mặt trận các cấp đề ra. Đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ thôn, bà con trong thôn đã tự nguyện góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng NVH khang trang làm nơi hội họp, sinh hoạt tập thể của thôn; 100% đường thôn đã được bê tông cứng, cổng làng được xây dựng khang trang to đẹp…
Với nỗ lực đó, kể từ khi được UBND tỉnh cấp bằng công nhận Làng văn hóa cấp tỉnh năm 2005, đến nay người dân thôn Đoan Bình vẫn gìn giữ được danh hiệu này.
Không chỉ ở Đoan Bình, những năm qua, ngoài chú trọng phát triển số lượng, huyện Gia Viễn còn đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa nhằm giúp các làng văn hóa phát triển bền vững. Chính bởi vậy mà hàng năm, bên cạnh sự chỉ đạo các địa phương tổ chức đăng ký danh hiệu văn hóa, trao bằng công nhận, ghi sổ vàng gia đình văn hóa… Ban chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện ở mỗi đơn vị.
Đặc biệt vào dịp cuối năm, BCĐ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc việc bình xét danh hiệu bảo đảm thực chất, phản ánh đúng quá trình phấn đấu của mỗi thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn.
Trong xét duyệt, BCĐ chủ trương nâng cao các tiêu chí đánh giá, đưa việc bình xét, nhất là bình xét danh hiệu gia đình văn hóa về cơ sở để nhân dân được tham góp ý kiến, bảo đảm dân chủ, khách quan.
Ngoài ra, tạo đột phá trong việc chỉ đạo các địa phương xây dựng nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố; phát huy tinh thần xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, sinh hoạt…; nâng tầm chất lượng làng văn hóa bằng việc phát động xây dựng xã văn hóa; đưa văn hóa vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ huyện.
Trong quá trình thực hiện, huyện coi trọng công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức tác động, nhất là phổ biến trong những buổi họp dân về nội dung của phong trào, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức các tầng lớp nhân dân, qua đó phát huy tinh thần xã hội hóa, vận động các tổ chức tập thể, cá nhân đóng góp xây dựng quê hương…
Với những biện pháp trên, năm 2013, toàn huyện có 24.611/33.645 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 73.5%; có 113/196 thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; trên 100 nhà văn hóa cấp thôn, xã được xây mới và nâng cấp…
Đặc biệt, nhiều khu dân cư tiên tiến, làng văn hóa hàng năm được trung ương, tỉnh, huyện khen thưởng là những khu dân cư tiêu biểu về mọi mặt như: Đồng Chưa (Gia Thịnh), Đoan Bình (Gia Phú), Trung Chính (Gia Hòa), Trung Đồng (Gia Trung)… Một số xã có 100% thôn, xóm có nhà văn hóa là: Gia Sinh, Gia Phú, Gia Lập, Gia Vượng, Thị trấn Me.
Bằng việc thực hiện tốt phong trào xây dựng gia đình, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, nhiều chỉ tiêu về KT-XH ở các địa phương đã nâng lên. Qua thực tế, có thể nhận thấy những nơi đã đạt danh hiệu nhiều năm thì tình đoàn kết cộng đồng càng được thắt chặt, đời sống kinh tế cải thiện, môi trường văn hóa lành mạnh.
Ngoài ra, với công tác xã hội hóa, nhiều thiết chế văn hóa được hình thành. Chất lượng phong trào nâng lên còn góp phần tạo nên một đời sống xã hội ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hoạt động của các tổ liên gia tự quản, tổ hòa giải, an ninh nhân dân… thu hút sự tham gia của đông đảo thành viên đã giúp các thôn, làng, khu phố duy trì được ANTT, giải quyết triệt để những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân nâng lên rõ rệt nhờ phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh. Hiện, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều đã thành lập đội văn nghệ. Hàng năm, huyện tổ chức các chương trình hội diễn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho đông đảo tầng lớp nhân dân…
Bài, ảnh: Đào Hằng