Phóng viên:
Gia Viễn có địa hình phức tạp, nếu có thiên tai thì luôn chịu ảnh hưởng nặng nề. Xin đồng chí cho biết những khó khăn trong công tác PCTT - TKCN năm nay? Đ/c Nguyễn Anh Tuấn: Do tình hình diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, các loại hình thiên tai xảy ra cường độ ngày càng lớn gây khó khăn cho công tác ứng phó và PCTT trên địa bàn. Hơn nữa, Gia Viễn là huyện có địa hình bán sơn địa chuyển tiếp từ miền núi và đồng bằng nên huyện thường phải ứng phó với các đợt lũ trên các tuyến sông, mưa lớn gây ngập úng cục bộ khi bước vào mùa mưa bão.
Trên địa bàn huyện Gia Viễn hiện có 4 tuyến đê với tổng chiều dài gần 56,3 km, ngoài ra còn các tuyến bờ vùng, bờ bao: Bờ vùng Bắc, Nam Rịa, Bờ vùng Phương Đông, Bờ bao Hoa Tiên và các tuyến kè, cống dưới đê, tuyến đập tràn Lạc Khoái.
Nhìn chung, hệ thống đê và các công trình trên địa bàn huyện đã được đầu tư sửa chữa nâng cấp đủ khả năng chống lũ theo mực nước thiết kế, đảm bảo an toàn, đáp ứng được yêu cầu PCLB. Tuy nhiên, khi có sự cố xảy ra, công tác phòng, chống lũ cũng gặp những khó khăn do phải chia lực lượng tuần tra, canh gác, ứng cứu. Một số vị trí xung yếu trên các tuyến đê chưa được xử lý để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Cụ thể, như Cống Tân Hưng trên tuyến đê tả sông Hoàng Long xây dựng đã lâu, thân cống bằng đá xây bị rò rỉ nhiều, cống ngắn so với thân đê, hệ thống dàn van, tường đầu, tường ánh và bệ thao tác nhiều chỗ bị hỏng không đảm bảo chống lũ; cống lấy nước trạm bơm Đồng Vạn trên tuyến bờ vùng Phương Đông bị rò rỉ mang cống; cống Cầu Đen trên tuyến đê hữu sông Hoàng Long chưa sửa chữa cánh, hệ thống đóng mở, đầu cống chống tràn và chưa bàn giao cho đơn vị quản lý để thuận tiện cho việc vận hành...
Phóng viên: Công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được các địa phương, đơn vị trên địa bàn triển khai như thế nào, thưa ông?
Đ/c Nguyễn Anh Tuấn: Để chủ động phòng tránh, ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, bước vào mùa mưa, bão, các đơn vị, các xã, thị trấn được quán triệt nêu cao tinh thần, chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, từ huyện đến cơ sở thực hiện các bước theo hướng dẫn của UBND huyện như: Thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy, các phân ban chỉ huy PCTT&TKCN; xây dựng phương án PCTT&TKCN của đơn vị mình (trong đó có hợp đồng vật tư, phương tiện, danh sách huy động lực lượng, các phương án PCTT&TKCN theo đặc điểm của từng địa phương, đơn vị).
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các xã, thị trấn và các cơ quan thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện đầy đủ, có kế hoạch cụ thể cho từng phương án, chủ động trong mọi tình huống; thường xuyên kiểm tra số lượng vật tư, phương tiện, lực lượng để điều chỉnh bổ sung kịp thời.
Đối với 21 xã, thị trấn: Mỗi xã thành lập một đội xung kích từ 70-100 người do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách và một tổ tìm kiếm cứu nạn từ 7-10 người do đồng chí Trưởng Công an xã phụ trách có đủ phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; kinh phí dự phòng các xã, thị trấn từ 10 đến 30 triệu đồng; mỗi hộ gia đình chuẩn bị 2 bao tải để đựng đất và một cọc tre dài 2,5m. Đối với các xã vùng phân lũ, chậm lũ, mỗi hộ gia đình đều có sẵn sàn cao vượt lũ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chất đốt dùng trong 7 ngày.
Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo chuyên ngành được giao trách nhiệm cụ thể. Chi nhánh KTCTTL huyện đã chủ động sửa chữa máy bơm, trạm bơm, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo khi vận hành 100% số máy hoạt động thông suốt, không xảy ra ách tắc bơm tiêu khi xảy ra mưa lớn.
Điện lực Gia Viễn đã chủ động rà soát hệ thống điện, các thiết bị máy móc và xây dựng phương án cấp điện ưu tiên để bảo đảm điện cho những vị trí trọng điểm như: Đập tràn Lạc Khoái, khu vực hữu ngạn khi xả tràn Lạc Khoái….và đảm bảo đủ điện cho các trạm bơm để phục vụ bơm tiêu úng.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện chủ động ký hiệp đồng với các đơn vị quân đội tham gia PCTT&TKCN trên địa bàn cùng các phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; điều động lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên trên địa bàn huyện tham gia công tác hộ đê, xử lý các sự cố công trình, phối hợp với Công an huyện đảm bảo công tác tìm kiếm cứu nạn.
Công an huyện đảm bảo phương án phối hợp với các địa phương giữ gìn an ninh trật tự xã hội tại các nơi trọng điểm, các khu dân cư ngập lũ, các bến đò qua sông, điều tiết giao thông và tham gia công tác hộ đê và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra các đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình.
Phóng viên: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện chỉ đạo và phối hợp giữa các ngành, địa phương và người dân thế nào?
Đ/c Nguyễn Anh Tuấn: Khi xảy ra thiên tai, công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương luôn được đề cao, tăng cường chặt chẽ. Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác PCTT & TKCN, tuyên truyền phổ biến kiến thức về công tác PCTT trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện, xã, thị trấn; tổ chức tập huấn công tác phòng chống thiên tai cho các các cấp, các nghành và các địa phương.
Thứ hai, việc xây dựng các phương án, phân công nhiệm vụ, giao nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng, tỉ mỉ, sát với thực tế tình hình. Thứ ba, công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ" phải đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chu đáo. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê, kè, cống, công trình thủy lợi, xác định các trọng điểm xung yếu để có biện pháp tu bổ, xử lý kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra ngăn chặn kịp thời các vi phạm đê điều, các ẩn họa trên các tuyến đê và các công trình PCTT.
Rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, vật tư, lực lượng hộ đê, lượng lực thanh niên xung kích để phục vụ PCTT&TKCN, hiệp đồng lực lượng Quân đội đứng chân trên địa bàn; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ PCTT&TKCN, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng cho công tác PCTT&TKCN trên địa bàn.
Thứ tư, công tác đưa tin dự báo, cảnh báo phải kịp thời và chính xác đến với các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân để chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó. Thứ năm, công tác chỉ đạo, ứng phó phải đúng đắn, sáng tạo, kịp thời; các đơn vị có sự phối hợp với nhau, thống nhất dưới sự điều hành, chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !
Minh Đường (thực hiện)