Điểm sáng trong xóa đói, giảm nghèo Sau bao nỗ lực, đến năm 2016, gia đình chị Hoàng Thị Hiên ở thôn Ngô Đồng, xã Gia Phú mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Đến thăm gia đình chị khi cơn bão số 3 vừa đi qua, ngôi nhà kiên cố trở nên ấm cúng, vui vẻ. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hiên luôn nói rằng, nếu không có sự động viên, sự giúp đỡ thiết thực của chính quyền và các doanh nghiệp thì có lẽ việc thoát nghèo đối với gia đình chị mãi chỉ là giấc mơ.
Chị Hiên kể, vợ chồng chị sinh được 3 người con gái. Các cháu chăm ngoan và đều học hành giỏi giang. Nhưng khi các cháu càng học cao lên thì hoàn cảnh gia đình càng khó khăn, nhất là vào năm 2011, chồng chị bị bệnh xơ gan. Bớt đi một lao động trụ cột, anh lại phải đi viện liên tục khiến kinh tế gia đình chị Hiên khánh kiệt. Được bình xét từ thôn, xóm, gia đình chị vào danh sách hộ nghèo và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các tấm lòng hảo tâm. "Năm 2012, chúng tôi được nhận một con bê cái 9 tháng tuổi do Tập đoàn Vingroup trao tặng. Việc chăn thả bê đơn giản vì nhà tôi gần cánh đồng làng, được chăm sóc chu đáo nên bê khỏe mạnh, phát triển tốt.
Năm 2014, con bò đã đẻ được một con bê cái, gia đình tôi đã trao con bê con cho một hộ nghèo khác. Nhận thấy chăn nuôi bò phù hợp với điều kiện gia đình và để tiện một công chăn thả, chúng tôi được Hội Phụ nữ xã tín chấp cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vay thêm vốn của họ hàng để mua thêm 2 con bò.
Đến nay, đàn bò của gia đình tôi đã sinh sôi phát triển lên 7 con. Mỗi con bê con bây giờ cũng có giá từ 11-14 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định, tôi mua thêm lợn, gà để chăn nuôi. Được sự tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của Hội Nông dân và các hộ có kinh nghiệm trong xã tôi nuôi gì được nấy. Đến nay, các con nuôi đều cho thu nhập ổn định. Năm 2015, gia đình tôi chính thức ra khỏi danh sách nghèo. Tôi tin rằng, nếu chăm chỉ, có ý chí thoát nghèo, đặc biệt là có thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng thì chắc chắn con đường thoát nghèo không khó"- chị Hiên chia sẻ.
Còn gia đình chị Phạm Thị Bích, ở thôn Đoan Bình (xã Gia Phú) lại có cách thoát nghèo khác. Lập gia đình với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị sinh 2 người con. Bản thân chị Bích sức khỏe kém, ốm đau liên miên nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. "Việc thoát nghèo của gia đình tôi tưởng chừng như không thể, bởi lẽ, ngoài mấy sào ruộng, vợ chồng tôi không có việc làm thêm lúc nông nhàn. Tôi rất muốn đi làm để kiếm thêm thu nhập, ngặt nỗi sức khỏe kém, tuổi lại nhiều nên chẳng xin việc được vào đâu. Năm 2013, một doanh nghiệp may mặc đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và tuyển lao động là con em trên địa bàn xã đến để dạy nghề và tạo việc làm nên tôi hăng hái tham gia. Đến nay, tôi đã là tay kim thạo nghề, nếu việc nhiều thì mỗi tháng tôi cũng có thu nhập từ 4-5 triệu đồng. Không phải bươn chải nhiều, sức khỏe tôi đã tốt hơn. Năm 2015 gia đình tôi đã thoát nghèo"- chị Ngân vui vẻ nói.
Ông Vũ Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết, gia đình chị Ngân, chị Hiên là 2 trong số 6 gia đình thoát nghèo trong năm 2015. Trong thời gian qua, xã Gia Phú thường xuyên rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, từ đó chọn ra phương án giúp người dân thoát nghèo. Địa phương giao cho các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện việc tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT; Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện giám sát sử dụng nguồn vốn vay tại địa phương. Bên cạnh đó, Gia Phú đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, xã mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho nhân dân, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Hiện, xã có 3 doanh nghiệp may mặc đóng trên địa bàn, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Toàn xã có 3 trang trại và 8 gia trại có thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 500 triệu đồng/hộ/năm. Các mô hình trong phát triển kinh tế thường xuyên được tuyên truyền để nhân dân học tập, nhân rộng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,7%.
Sức mạnh cộng đồng trong xóa đói, giảm nghèo
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Gia Viễn đặt ra mục tiêu mỗi năm giảm 0,3% hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã xây dựng kế hoạch và lộ trình giảm nghèo cụ thể. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra chương trình giảm nghèo do các đoàn thể thực hiện. Sau khi được phân công, mỗi cấp, mỗi ngành đều được khuyến khích áp dụng, sáng tạo các cách làm mới, theo hướng cụ thể và hiệu quả. Trên cơ sở điều tra nắm rõ nguyên nhân nghèo, hoàn cảnh gia đình hiện tại cũng như tâm tư, nguyện vọng của người nghèo để tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng chính sách đầu tư thích hợp, hiệu quả. Chẳng hạn, với người thiếu vốn thì được giới thiệu vay vốn tín chấp ở Ngân hàng Chính sách xã hội, người thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật thì được tổ chức huấn luyện tại đầu bờ.
Bà Lưu Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, trong các giải pháp trọng yếu, thì việc huy động các nguồn lực tham gia vào công tác xóa đói, giảm nghèo đã được chứng minh là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Nó vừa thể hiện được tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng, vừa tạo được một "lực đẩy" quan trọng đối với người nghèo thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực. Theo đó, để việc xã hội hóa công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, huyện đã triển khai thực hiện khá bài bản. Cụ thể, UBND huyện đã giao cho Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể trong huyện tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ người nghèo thông qua các quỹ, như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Khuyến học, Quỹ Vì người nghèo...
Với cách làm này, quyết tâm giảm nghèo liên tục được bồi đắp ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, các đoàn thể chính trị, các doanh nghiệp và đến từng người dân. Mỗi năm, Quỹ Vì người nghèo huyện đã huy động được trên 200 triệu đồng. Huyện Gia Viễn cũng đã huy động sự tham gia của các doanh nghiệp như Tập đoàn The Vissai, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Tập đoàn Vingroup hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo xây mới nhà ở. Huyện cũng tiếp nhận gần 1.000 con bê, nghé giống cho hộ nghèo, trên 22.000 lượt người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có quân nhân đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội đến thăm, tặng quà, chúc tết, trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, địa phương còn phối hợp với các ngành chức năng cấp thẻ BHYT, giấy chứng nhận hộ nghèo cho các đối tượng đã được bình xét nhằm giúp các hộ nghèo được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục… Huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức hội nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ theo quan điểm "trao cần câu hơn xâu cá". Theo đó, các tổ chức Hội như: Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ… phối hợp với các doanh nghiệp đã tích cực đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, nhất là hội viên nghèo, giúp họ có thu nhập ổn định để từng bước thoát nghèo bền vững.
Với việc đa dạng các hình thức hỗ trợ đã giúp người nghèo trên địa bàn huyện Gia Viễn có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh, hiện còn 5,75% theo tiêu chí nghèo đa chiều.
Bài, ảnh: Đào Hằng