Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Gia Viễn cũng có nhiều thuận lợi khi có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Kết quả đạt được từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện để củng cố và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển. Một số xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống thủy lợi tiếp tục được cải tạo và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư thâm canh đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập. Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã từng bước được đưa vào sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ nông dân lựa chọn, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế. Do đó, trình độ thâm canh của các hộ nông dân ngày càng được nâng cao.
Để hình thành các mô hình, dự án trên địa bàn, huyện đã mời các nhà khoa học của Trung tâm rau chất lượng cao thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tuyển chọn một số giống cà chua theo hướng chất lượng phục vụ quá trình sản xuất hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Dần hình thành vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất dưa, vùng sản xuất gạo sạch, trong đó chú trọng tới cây trồng đem lại lợi nhuận cao cho người dân.
Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 1 mô hình đang có triển vọng phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ cao. Đó là mô hình áp dụng phương pháp canh tác mới trồng hoa tại gia đình với diện tích gần 1.000 m2 và mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Gia Thanh; mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao tại xã Gia Phương. Huyện cũng chỉ đạo thành lập được 2 HTX trồng nấm ở xã Gia Tân, Gia Lập, thành lập HTX thủy sản Gia Hòa, HTX Đoàn kết dịch vụ và môi trường thủy sản Vân Long (xã Gia Vân), HTX CCB Lãng Nội (xã Gia Lập). Huyện Gia Viễn đã đăng ký với Sở Nông nghiệp & PTNT về sản phẩm chủ lực là cá nước ngọt và lúa, gạo. Xã Gia Phương và Gia Phong làm điểm thực hiện tái cơ cấu cấp xã theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, đảm bảo vệ sinh thực phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn huyện hiện có 60 trang trại đạt tiêu chí theo quy định. Trong năm 2017, ngân sách huyện đã bố trí cho sự nghiệp phát triển nông, lâm, thủy sản là 8.429 triệu đồng, trong đó 250 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ các mô hình, sản phẩm để tái cơ cấu nông nghiệp.
Đối với 2 xã điểm triển khai thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bước đầu đã đạt những kết quả khả quan. Xã Gia Phương đã hoàn thành công tác quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích là 365,5 ha, hình thành 3 vùng sản xuất tập trung. Xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa và nhân dân đóng góp 17,5 ha đất 313 và đóng góp với số tiền là 1.005.550.000 đồng để hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch từng vùng sản xuất, đóng góp đất làm công trình phúc lợi của thôn, xã (nhà văn hóa thôn, đường giao thông, nghĩa trang….). Đến nay đã hình thành cơ bản các vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hóa, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản- chăn nuôi. Đối với xã Gia Phong, hiện nay Sở Nông nghiệp & PTNT đang triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa nếp mùa cau theo hướng hàng hóa với quy mô 25 ha, đã thực hiện hỗ trợ 1.750 kg lúa giống và hướng dẫn kỹ thuật…
Kết quả đạt được bước đầu từ việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Gia Viễn đã góp phần làm thay đổi về nhận thức của người nông dân về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm làm tăng giá trị trên từng ha canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để việc thực hiện Nghị quyết phát huy hiệu quả hơn nữa, huyện Gia Viễn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân đối với công tác này. Đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu "Mỗi làng một nghề, mỗi xã một sản phẩm chủ lực".
Bên cạnh đó, quan tâm triển khai cơ chế, chính sách mới của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để cơ cấu lại quỹ đất, cơ cấu lại sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, thực hiện đầu tư xây dựng, sữa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi đầu mối, công trình giao thông nội đồng, hệ thống điện sản xuất phục vụ vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới và phát triển mạnh hệ thống dịch vụ công theo chuỗi giá trị sản phẩm. Củng cố, phát triển các tổ chức dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho phát triển sản xuất đi kèm với cơ chế kiểm tra nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng. Tiếp tục ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao trong các lĩnh vực của nông nghiệp, trước mắt tập trung cho rau, hoa, chăn nuôi, thủy sản...
Bùi Diệu