Do thời tiết mưa lớn kéo dài trong thời gian qua đã làm giảm hiệu quả của các biện pháp diệt chuột. Lượng chuột phát sinh gây hại cao.
Để giảm thiểu tới mức thấp nhất tác hại của chuột gây ra đối với cây trồng, bảo vệ lúa mùa, ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình phát sinh, phát triển của các đối tượng sâu bệnh, chuột hại.
Chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, đảm bảo đúng quy trình an toàn cho người, vật nuôi, môi trường sinh thái.
Thống kê đến trung tuần tháng 8, trên địa bàn huyện Gia Viễn đã có khoảng 40 ha lúa mùa bị chuột gây hại ở các xã, thị trấn. Một số đơn vị bị chuột phá hoại nặng như Gia Hòa, Liên Sơn, Gia Lập, Gia Phương và Gia Minh.
Trước vấn nạn này, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã đề nghị các xã, thị trấn đẩy mạnh các biện pháp phòng, diệt chuột. Bằng phương pháp thủ công đã diệt gần 800 con chuột và dùng thuốc diệt được 50 kg, cùng với đó nông dân các địa phương cũng đã bắt diệt 1.000kg ốc bươu vàng hại lúa mùa.
Đồng chí Trần Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện cho biết: Do thời tiết ở vụ đông xuân ấm, nắng, chuột sinh sản nhanh. Kéo sang vụ lúa mùa là thời điểm chúng ra sức gây hại mạnh. Vì thế, ngay từ đầu vụ mùa, Trạm Bảo vệ thực vật đã tiếp nhận, cấp phát tới các xã, HTX 310 kg thuốc Rat K để đồng loạt ra quân diệt chuột thời kỳ làm đất.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện khuyến khích các địa phương diệt chuột bằng phương pháp thủ công. Huyện cấp cho các HTX, xã thị trấn 50 máy hun khói diệt chuột hiệu quả.
Thông tin từ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Gia Viễn cho biết: Thời gian qua là giai đoạn sâu đục thân lứa 4 gây hại cục bộ trên trà lúa mùa sớm, nhất là khoảnh ruộng gần vùng lúa chét, trung bình 1,1 con/m2, nơi cao 3-4 con/m2 đã xảy ra ở các xã Liên Sơn và Gia Hưng.
Thời gian sắp tới, Trạm Bảo vệ thực vật dự tính, dự báo sẽ có đợt sâu đục thân lứa 5 xuất hiện.
Bướm nở rộ từ ngày 20-8 đến ngày 10-9, sâu non nở rộ từ khoảng 25-8 đến 15-9. Vụ mùa này, ở Gia Viễn các vùng ruộng lúa tiếp giáp vùng lúa chét có mật độ sâu đục thân cao sẽ phun trừ sớm hơn.
Dự báo, nếu phát hiện ổ trứng 0,3 ổ/m2 thì phun trừ trước, còn nếu có mật độ lớn hơn hoặc 1 ổ/m2 thì tổ chức phun kép (phun 2 lần).
Các loại thuốc được khuyến cáo dùng, gồm Prevathon 5SC, Vitaco 40WG và Vitory 585 EC, thời điểm phun tốt nhất khi sâu non tuổi 1 nở rộ (khoảng thời gian từ 1-9 đến 5-9). Trạm Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc việc phòng trừ.
Theo ông Trần Văn Long, Chủ nhiệm HTX Mai Sơn (xã Gia Lạc): Toàn HTX có 64 ha cấy lúa mùa, hiện lúa mùa đang giai đoạn sinh trưởng tốt. Trà mùa sớm đang ở thời kỳ làm đòng. Trà mùa trung đang cuối đẻ nhánh, bây giờ là giai đoạn chuột phá mạnh do lúa mùa đang ở thời kỳ có đòng- nguồn thức ăn dồi dào. Biện pháp diệt chuột hữu hiệu nhất là phương pháp thủ công: đào bắt, bẫy kẹo, sử dụng máy hun khói.
Cũng như HTX Mai Sơn, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết các địa phương ở Gia Viễn đã và đang tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình phát sinh của các đối tượng sâu bệnh, chuột hại để có các biện pháp phòng trừ kịp thời, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và an toàn cho người, vật nuôi và môi trường sinh thái, phấn đấu giành vụ mùa thắng lợi về cả năng suất và sản lượng.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh