Đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện chia sẻ: Trên địa bàn huyện có gần 800 đối tượng là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/điôxin một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Đây là nỗi đau không chỉ của riêng gia đình và những nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin mà còn là nỗi đau và sự chia sẻ của cả cộng đồng cùng quan tâm, chăm lo để góp phần giảm bớt khó khăn, những thiệt thòi cho các nạn nhân và gia đình họ.
Ngay sau khi tiến hành Đại hội lần thứ nhất, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện nhanh chóng ổn định tổ chức và chỉ đạo triển khai tổ chức đại hội cấp cơ sở để phát triển và mở rộng tổ chức Hội tại các xã, thị trấn trong huyện. Hiện nay, toàn huyện có 18/21 cơ sở Hội được thành lập, đã tiến hành đại hội với tổng số hội viên tham gia sinh hoạt là trên 700 hội viên. Các cơ sở Hội đã xây dựng được quỹ Hội với trung bình mỗi quỹ có kinh phí khoảng 5 triệu đồng. Cùng với nguồn quỹ do chính hội viên đóng góp, các cơ sở Hội còn đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tiêu biểu như Chi hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin xã Gia Thịnh. Đây là đơn vị tổ chức đại hội điểm đầu tiên của huyện. Ngay sau khi kiện toàn tổ chức, quy chế hoạt động, Chi hội đã xây dựng nền nếp sinh hoạt, thu hút đông hội viên tham gia.
Nét nổi bật trong hoạt động của Chi hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Gia Thịnh là ngay từ khi đi vào hoạt động, Chi hội nhận được sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. UBND xã đã quan tâm, cấp kinh phí hoạt động hàng năm cho chi hội với số tiền 1 triệu đồng/năm, chỉ đạo Hội Cựu chiến binh xã phối hợp chặt chẽ với chi hội để hỗ trợ hội viên các điều kiện phát triển kinh tế như: đã có 6 hội viên là các hộ cận nghèo được vay vốn mỗi người 10 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư cho chăn nuôi; đồng thời tham mưu, nắm tình hình, hoàn cảnh từng hội viên để giúp cấp ủy, chính quyền thăm hỏi, động viên kịp thời…
Nguồn quỹ Hội còn là điều kiện để những hội viên trong chi hội có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phát triển kinh tế theo hình thức "quay vòng" trong thời gian 1 năm rồi chuyển cho hội viên khác. Bên cạnh đó, Chi hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin xã còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi được một số doanh nghiệp, tổ hợp hoạt động trên địa bàn, nhà thờ xứ Đồng Chưa, chùa Liên Huy… ủng hộ, giúp đỡ xây dựng quỹ. Đây là cơ sở Hội có mức quỹ cao nhất trong số các chi hội với 6 triệu đồng. Ngoài ra, còn có một số chi hội có số quỹ cao và hoạt động hiệu quả là: Chi hội xã Gia Vân, Gia Hòa…
Cùng các đồng chí Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện đi thăm một số gia đình nạn nhân trên địa bàn huyện, chúng tôi đã vào thăm gia đình ông Lương Thế Hiền ở xóm 2 Liên Huy (xã Gia Thịnh). Ông Hiền nhập ngũ năm 1971 và từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1972 đến 1974. Năm 1976, ông phục viên về địa phương, lập gia đình và sinh con trai đầu tiên. Càng lớn, cậu con trai Lương Thế Thương càng có những biểu hiện của bệnh tật như: nghẹo cổ, chân tay co cứng, teo cơ… Gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không bệnh viện nào thời đó phát hiện ra bệnh gì.
Vượt lên nỗi buồn về đứa con đầu không lành lặn, vợ chồng ông tiếp tục sinh thêm 2 cậu con trai nữa. Tuy không có những biểu hiện bệnh tật nặng như người anh nhưng cả hai người em đều chậm chạp, trí tuệ kém phát triển so với các bạn cùng trang lứa. Ngồi cạnh đứa con đang nằm ngơ ngác trên chiếc chiếu trải giữa nhà năm nay đã ngoài 30 tuổi, ông Hiền cho biết: Hai vợ chồng tôi phải thay nhau trông nom cháu nên việc đồng áng cũng hạn chế. Cả nhà có 7 sào ruộng và làm thêm nghề khâu nón nên vẫn còn nhiều khó khăn. Từ khi ông Hiền và cậu con trai cả được hưởng chế độ dành cho đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam, kinh tế gia đình đỡ khó khăn đi nhiều… Gia đình được ưu tiên trong việc vay vốn phát triển kinh tế, hai cậu con trai lành lặn được sự quan tâm, tạo điều kiện trong học tập, lao động…
Cùng chia sẻ những tâm sự của ông Lương Thế Hiền, đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện bày tỏ: Chỉ mong sao có thêm nhiều đối tượng là nạn nhân da cam/điôxin trong toàn huyện được quan tâm, giúp đỡ như gia đình ông Lương Thế Hiền… Mong muốn của đồng chí cán bộ Hội ở Gia Viễn cũng là mong muốn của chúng tôi nhân ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam/điôxin" (10-8) sẽ có thêm những tấm lòng hảo tâm, đồng cảm cùng hướng về chăm lo, giúp đỡ để xoa dịu nỗi đau da cam ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Bài, ảnh: Bùi Diệu