Xã Gia Thịnh là nơi thường xuyên xảy ra ngập úng khi xảy ra mưa bão, lũ lụt, đặc biệt là thôn Kênh Gà, năm nào cũng vài lần ngập úng, có năm ngập sâu đến giữa nhà. Cơn bão số 7 vừa qua, thôn Kênh Gà xảy ra ngập úng cục bộ, có gia đình hàng tuần mới rút hết nước. Hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, trên địa bàn cũng đã có mưa, nước sông có chiều hướng tăng nhanh, nguy cơ ngập lụt vẫn có thể xảy ra.
Bà Trần Thị Tuyết, nhân viên y tế thôn Kênh Gà cho biết: Kênh Gà có hơn 400 hộ dân, với khoảng trên 2 nghìn khẩu. Là thôn thường xuyên bị ngập úng và ngập sâu nhất của xã Gia Thịnh khi mùa mưa bão, lũ lụt đến, do đó người dân rất có ý thức trong việc chủ động phòng, chống lụt bão và dịch bệnh.
Mỗi nhà ở thôn Kênh Gà đều trang bị thuyền nhôm, xây nhà cao tầng để tránh lũ lụt. Vào những năm mưa nhiều, ngập úng kéo dài, người dân phải sơ tán lên các nhà cao tầng hoặc ở tạm trong các thuyền bè. Có kinh nghiệm "chung sống với lũ", nên mỗi người dân thôn Kênh Gà được tuyên truyền và hình thành ý thức, thói quen trong sinh hoạt, chủ động phòng, chống dịch bệnh, như bảo quản thức phẩm đúng cách, thực hiện ăn chín uống sôi, ăn uống lành mạnh trong những ngày thời tiết bất ổn, mưa gió kéo dài...
"Vào thời điểm bão lũ, người dân trong thôn được Trạm Y tế xã cấp các loại thuốc phòng, chống dịch bệnh như nước ăn chân, đau mắt đỏ, thuốc trị bệnh về đường tiêu hóa, Cloramin B khử nước đảm bảo vệ sinh.... Đồng thời tuyên truyền tới mỗi gia đình chủ động dự trữ thêm các loại thuốc thiết yếu để phòng bệnh cho mình và gia đình như cảm cúm, các loại thuốc chữa bệnh mãn tính... Trong đó, tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường sống, sinh hoạt sạch sẽ, thực phẩm an toàn..., không để xảy ra dịch bệnh trong và sau mùa mưa bão..." - bà Trần Thị Tuyết cho biết thêm.
Y sĩ Đinh Ngọc Văn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gia Thịnh cho biết: Xã Gia Thịnh có 18 thôn với trên 8 nghìn nhân khẩu, trong đó thôn Kênh Gà là nơi thường xuyên bị ngập úng. Hàng năm,Trạm y tế xã chủ động xây dựng kết hoạch phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão và chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho công tác này từ khá sớm.
Cùng với chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trọng tâm là các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, đường tiêu hóa, nước ăn chân..., Trạm còn dự trữ nhiều hóa chất Cloramin B để khử nguồn nước bị ô nhiễm, tránh tình trạng người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, dễ xảy ra và lây lan dịch bệnh về đường tiêu hóa.
Công tác tuyên truyền được quan tâm, đẩy mạnh. Trước, trong và sau mùa mưa bão, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế thường xuyên phối hợp cùng nhân viên y tế thôn, xóm, đến từng nhà, xuống từng địa bàn trong xã để tuyên truyền, tư vấn, nhắc nhở, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện an toàn thực phẩm, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt..., phấn đấu không để xảy ra các loại bệnh truyền nhiễm và lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Bác sĩĐỗ Ngọc Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Gia Viễn là huyện nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt. Để chủ động chăm sóc sức khỏe nhân dân và không để các bệnh mùa mưa bão như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, bệnh về đường tiêu hóa... lây lan thành dịch, Trung tâm Y tế Gia Viễn đã chỉ đạo các Trạm Y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, thiết bị, hóa chất, sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đối với các xã nằm trong vùng thường xuyên bị ngập lụt và có khu vực dân cư ngoài đê như: Gia Thịnh, Gia Tiến, Gia Minh, Gia Phong, Gia Hòa, Gia Lạc, Gia Hưng,... Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo cán bộ, nhân viên các Trạm Y tế xã thường xuyên bám sát địa bàn, nhất là những nơi năm trước đã xuất hiện các ổ dịch để nắm bắt, tuyên truyền người dân vệ sinh môi trường, theo dõi nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời....
Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện đã cấp 40 áo phao cho cán bộ y tế các xã thường xuyên bị ngập úng. Đồng thời, Trung tâm y tế huyện cũng cung ứng, phân bổ, trang bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng bão lũ theo quy định về 21 Trạm Y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện, mỗi xã 1 cơ số thuốc, yêu cầu nhân viên y tế các xã thực hiện cấp tận tay người dân, giúp các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Trung tâm Y tế Gia Viễn cũng chỉ đạo các Trạm y tế thành lập các Đội phòng, chống dịch lưu động, được tập huấn về công tác xử lý ổ dịch và phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các Trạm y tế và đội ngũ y tế thôn, xóm giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện dịch bệnh sớm nhất.
Tại Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm thành lập 2 tổ cấp cứu ngoại viện, chuẩn bị 10 cơ số thuốc vừa chống dịch vừa chống bão lụt, hàng trăm kg vôi bột, Cloramin B và các phương tiện, thiết bị khác như máy phun hóa chất, máy phát điện, xe chuyên dụng…,đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, đảm bảo chủ động trong công tác phòng, chống, không để các loại dịch bệnh nói chung, bệnh trong mùa mưa bão nói riêng xảy ra và lây lan thành dịch nguy hiểm trên địa bàn.
Hạnh Chi - Minh Quang