Kinh nghiệm từ những trận lũ lịch sử
Gia Viễn có địa hình trũng, thấp, hơn nữa trên địa bàn huyện có nhiều con sông chảy qua, lớn nhất là sông Hoàng Long được tạo thành bởi hợp lưu của 2 nhánh chính là sông Bôi và sông Lạng và đổ vào sông Đáy tại Gián Khẩu. Ngoài ra còn có nhiều nhánh sông nhỏ khác nhưng nhìn chung mạng lưới sông đổ vào lưu vực sông Hoàng Long có dạng hình giẻ quạt nên khi có mưa lớn nước đồng thời tập trung về nên dễ gây ra lũ lụt.
Ngay trong năm 2024 vừa qua, các sông trên địa bàn huyện đã xuất hiện 5 đợt lũ. Đáng chú ý là đợt lũ ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại bến Đế đạt 4,93 m, trên mức báo động III là 0,93 m. Lũ lớn đã khiến hơn 800 nhà dân, hàng trăm ha hoa màu, một số trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện bị ngập. Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng phó, phòng tránh từ sớm, các thiệt hại đã được giảm thiểu.
Ông Đinh Văn Lưu, người dân xã Gia Phong (huyện Gia Viễn) chia sẻ: Qua nhiều đời sống chung với lũ lụt, người dân chúng tôi đúc rút được nhiều kinh nghiệm để chung sống an toàn. Đó là, chủ động bố trí lịch thời vụ và thu hoạch cây trồng trước khi lũ tiểu mãn đổ về; chủ động giằng buộc, kê dọn các vật dụng thiết yếu lên nơi cao ráo, tích trữ nước sạch, lương thực, thực phẩm từ sớm, thậm chí sắm cả thuyền, áo phao, bởi vậy lũ có về thì cũng không lo mất mùa hay thiếu đồ ăn, thức uống.
Đồng chí Đinh Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Gia Phong cho biết thêm: Rút kinh nghiệm từ những trận lũ trước, đợt lũ tháng 9/2024 vừa qua, khi có lệnh di dân của Chủ tịch UBND tỉnh, theo kịch bản đã được phê duyệt, chúng tôi đã ngay lập tức thông báo cho 400 hộ dân ngoài đê Bắc sông Rịa trong diện phải di dời, đồng thời bố trí Tổ xung kích cùng với lực lượng quân đội, công an đến từng nhà dân, ưu tiên các hộ thuộc diện già cả, neo đơn để hỗ trợ bà con. Vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ người và tài sản đã được di chuyển đến các địa điểm an toàn.
Những năm qua, huyện Gia Viễn luôn đặt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đây cũng là một nhiệm vụ trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Kinh nghiệm của huyện là phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác diễn tập PCTT&TKCN, coi đây là cơ hội để cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức triển khai vận hành cơ chế một cách nhuần nhuyễn, sát thực tế, hạn chế được tình trạng bị động, bất ngờ.
Ngoài ra, trước mỗi mùa mưa bão, địa phương đều tiến hành kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng các công trình PCTT, các trọng điểm xung yếu, hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi. Các phương án PCTT&TKCN được xây dựng một cách bài bản, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, từng ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ; chú trọng công tác “4 tại chỗ” chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng đầy đủ sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu PCTT&TKCN.
Sẵn sàng “thế trận” 2025
Dẫn chúng tôi đi thị sát hiện trạng đê điều trên địa bàn, lãnh đạo huyện Gia Viễn cho biết, hệ thống đê và các công trình trên địa bàn huyện cơ bản đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp đủ khả năng chống lũ theo mức nước thiết kế, đáp ứng theo yêu cầu PCTT&TKCN. Đợt lũ năm 2024 vừa qua, trên tuyến đê tả sông Hoàng Long có xuất hiện một số lỗ rò, điểm thẩm lậu nhưng hiện tại đã được khoan phụt vữa chống thấm; các điểm lún, nứt mặt đê cũng được xử lý đảm bảo an toàn. Riêng tường kênh dẫn xả trạm bơm Gia Trấn năm ngoái bị nứt, rò thì đã khắc phục tạm thời, dự án xây mới trạm bơm Gia Trấn đang được khẩn trương triển khai.
Tuy nhiên, thiên tai luôn tiềm ẩn những yếu tố bất thường, do đó, địa phương đang tiếp tục cho kiểm tra, đánh giá lại chất lượng các công trình, xác định các trọng điểm xung yếu để có biện pháp tu bổ, xử lý kịp thời. Ngoài ra, huyện đã bố trí các đội xung kích, chuẩn bị hàng trăm mét khối đá hộc, hàng trăm rọ đá, hàng nghìn bao tải sẵn sàng ứng phó khi cần thiết; bổ sung phương tiện cứu hộ, cứu nạn, vật tư, lực lượng tuần tra, canh gác đê, lực lượng xung kích PCTT cấp xã, hiệp đồng với các đơn vị Quân đội làm nhiệm vụ PCTT&TKCN trên địa bàn.
Là trung tâm công nghiệp của tỉnh với khu công nghiệp Gián Khẩu, 3 cụm công nghiệp là Gia Phú, Gia Lập, Gia Vân, do vậy, trong phương án PCTT, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiêu thoát nước, chống úng cho các khu vực này bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn. Ngập úng trong khu công nghiệp không chỉ gây ách tắc giao thông, vận chuyển hàng hóa và sản xuất của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu hút đầu tư. Địa phương yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện, các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp làm tốt công tác phối hợp, thường xuyên kiểm tra, nạo vét, bảo đảm dòng chảy thông thoáng trước mùa mưa bão. Khẩn trương cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống, bảo đảm không gây ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.
Mới đây, huyện cũng đã thông qua phương án PCTT&TKCN năm 2025. Trong đó chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể từng tình huống, phương án ứng phó. Chú trọng thực hiện nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương” và quán triệt phương châm “4 tại chỗ”. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động toàn dân, toàn xã hội tham gia công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đặc biệt, trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay, để không xảy ra tình trạng gián đoạn công việc, chủ quan, lơ là, huyện đã yêu cầu xây dựng ngay phương án PCTT&TKCN của các xã và cụm xã đảm bảo hiệu quả, sát thực tế.
Với sự chủ động xây dựng phương án phòng chống, nhất là bài học kinh nghiệm luôn sẵn sàng chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”, tin chắc rằng, công tác PCTT trên địa bàn sẽ chủ động về mọi mặt, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.