Trạm Y tế xã Gia Sinh là trong 6 đơn vị y tế cơ sở ở huyện Gia Viễn được trang bị một số thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa từ 3 năm trước đây. Vậy nhưng, máy siêu âm mới chỉ phục vụ người bệnh từ ngày 1/8/2019 đến nay. Giải thích về sự chậm trễ trong quá trình đưa máy móc đi vào hoạt động, bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trạm trưởng cho biết, để thu hút được người bệnh đến khám, chữa bệnh thì điều quan trọng nhất là cơ sở y tế phải thực hiện khám bằng bảo hiểm y tế.
Mà muốn được Sở Y tế phê duyệt, cơ quan BHXH chấp nhận thanh toán bảo hiểm y tế thì cơ sở y tế đó phải hoàn thiện các tiêu chí về nhân lực (có bác sĩ) và bác sĩ ấy phải được đi đào tạo và cấp giấy phép hành nghề có chuyên môn để sử dụng các thiết bị hiện đại trong việc khám, điều trị cho bệnh nhân. Trước yêu cầu đó, bản thân tôi là bác sĩ của Trạm đã được đi học nghiệp vụ ở Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội và có 3 tháng thực tập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trước khi được cấp chứng chỉ chuyên ngành siêu âm, chẩn đoán hình ảnh.
Mặc dù mới thực hiện siêu âm trong khám bệnh vài tháng nay, song Trạm y tế Gia Sinh đã thu hút khá nhiều bệnh nhân đến khám bệnh, nhất là những người già mắc bệnh mãn tính không lây. Bác Chu Khắc Tuân, một người dân địa phương cho biết, tôi bị bệnh cao huyết áp nên việc đến khám, điều trị ở Trạm y tế xã rất thường xuyên. Là Trạm y tế đạt chuẩn, song trước đây Trạm cũng mới chỉ có các trang, thiết bị khám, chữa bệnh thông thường nên mỗi khi muốn kiểm tra kỹ, chuyên sâu hơn thì chúng tôi phải lên cơ sở y tế tuyến huyện do trạm y tế xã không có đủ các trang, thiết bị hiện đại. Hơn hai tháng nay, Trạm đã thực hiện được kỹ thuật siêu âm ổ bụng, tôi cũng như người dân địa phương rất phấn khởi.
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, hiện nay, Trạm mới chỉ được phê duyệt và thanh toán BHYT siêu âm ổ bụng, siêu âm tổng quát, còn siêu âm thai vẫn chưa được thanh toán vì bác sĩ chưa được đào tạo chuyên sâu. Trên thực tế, nhu cầu khám, siêu âm thai là rất lớn và cần thiết. Bởi từ xã Gia Sinh đến Trung tâm y tế huyện khá xa nên nhiều sản phụ lựa chọn Trạm y tế là nơi sinh nở.
Từ trước tới nay, bác sĩ đỡ đẻ chủ yếu khám bằng các thiết bị truyền thống kết hợp với kinh nghiệm trong chẩn đoán lâm sàng. Nếu kỹ thuật siêu âm thai được áp dụng rộng rãi sẽ giúp việc chẩn đoán ban đầu hiệu quả hơn rất nhiều, tránh được các tai biến sản khoa và đặc biệt là bệnh nhân đỡ phải chuyển tuyến, vừa vất vả tốn kém, lại vừa gây quá tải cho y tế tuyến trên.
Thời gian tới, Trạm y tế Gia Sinh rất mong được các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho bác sĩ được đi học, đào tạo thêm nghiệp vụ chuyên sâu về siêu âm sản khoa để có thể khai thác tối đa hiệu quả của các thiết bị y tế hiện đại. ở trạm y tế Gia Sinh còn có máy xét nghiệm sinh hóa, thiết bị này đến nay vẫn… chưa được sử dụng lần nào. Nguyên nhân là do nhu cầu của người bệnh không nhiều, trong khi đó kinh phí mua hóa chất rất lớn.
Trong năm 2017, từ nguồn xã hội hóa, Trạm Y tế xã Gia Phú được hỗ trợ hệ thống máy vật lý trị liệu phục hồi chức năng có trị giá trên 380 triệu đồng. Có được thiết bị y tế hiện đại này, cán bộ và người dân nơi đây rất phấn khởi vì sẽ được điều trị gần, không phải lên tuyến trên. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay hệ thống máy móc này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng đúng như mục đích mong muốn.
Nguyên nhân là do Trạm chưa có bác sĩ y học cổ truyền, chưa được đào tạo để sử dụng hiệu quả máy móc nên không được BHXH thanh toán chi phí thực hiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Ông Phạm Viết Huân, Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Phú cho biết: Khi bàn giao thiết bị, đơn vị cung cấp có tập huấn cách sử dụng cho cán bộ, y sĩ ở đây trong thời gian một buổi. Thời gian quá ngắn nên việc tiếp thu các kỹ năng, kiến thức về cách sử dụng thiết bị rất hạn chế. Mặt khác, để được đi đào tạo thì yêu cầu đầu tiên là trạm y tế phải có bác sĩ, trong khi đó hiện nay trạm chưa có bác sĩ.
Bởi thế, việc hoàn thiện quy trình về nhân lực để được cấp phép hoạt động chưa thể thực hiện được. Chúng tôi rất mong mỏi có sự định hướng, hỗ trợ để sớm khắc phục được khó khăn, đưa thiết bị vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương.
Theo thống kê, hiện nay, huyện Gia Viễn có 19/21 trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 12/21 trạm có bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ y học cổ truyền. Đặc biệt, từ nhiều nguồn xã hội hóa, hiện nay có 6/21 trạm y tế được trang bị các thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm sinh hóa …
Việc đầu tư những trang thiết bị y tế hiện đại cho các trạm y tế cấp xã, đặc biệt là các xã vùng xa trung tâm như Gia Phong, Gia Sinh, Gia Lạc, Gia Thanh, Gia Xuân… là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, hiệu quả hoạt động vẫn chưa cao vì còn gặp nhiều khó khăn do rào cản về nguồn nhân lực.
Ông Đặng Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, theo quy định, để sử dụng các thiết bị này, trước hết trạm phải có bác sĩ và bác sĩ đó phải được tham gia các lớp đào tạo rồi mới được cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, có những trạm y tế hiện vẫn chưa thu hút được bác sĩ như Gia Phong, Gia Phú… Để giải quyết được bất cập này, trước mắt, Trung tâm Y tế huyện sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ y tế.
Đồng thời thực hiện luân chuyển, điều động bác sỹ về Trạm Y tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Thậm chí, sẽ thực hiện luân chuyển máy móc kỹ thuật nơi không đủ nhân lực vận hành cho các trạm khác đủ năng lực và phân công bác sĩ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn, cử bác sĩ tuyến trên về cơ sở một thời gian để hướng dẫn theo kiểu "cầm tay chỉ việc", góp phần nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở, tạo niềm tin cho nhân dân và đặc biệt là tránh gây lãng phí tài sản của Nhà nước.
Bài, ảnh: Đào Hằng